Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi ăn một số loại sinh vật biển

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Gia Bình khuyến cáo nếu người dân ăn phải những loại ốc, cá lạ có chứa độc tố, cần nhanh chóng kích thích nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi ăn một số loại sinh vật biển ảnh 1Người dân không nên thử các động vật lạ, nhất là cá nóc hay một số loại cá hồng. (Ảnh minh họa).

Hoạt động trên ngư trường Trường Sa (Khánh Hòa), có không ít ngư dân bị ngộ độc do ăn hoặc tiếp xúc với sinh vật biển.

Từ đầu năm đến nay, hệ thống y tế của huyện đảo Trường Sa đã tiếp nhận và kịp thời cấp cứu cho nhiều ca bệnh do ngộ độc nặng, nhẹ khác nhau.

Theo chia sẻ của đội ngũ bác sỹ chuyên khoa, độc tố của các sinh vật biển không bị phân hủy bởi nhiệt độ.

Khi vào cơ thể, chúng sẽ gây độc cho các tế bào, nội tạng, biểu hiện bằng các triệu chứng nặng nề về thần kinh như mất cảm giác, liệt vận động, co giật, hôn mê, mạch nhanh, tăng hay hạ huyết áp, loạn nhịp tim và suy hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

[Bình Thuận: 10 người nhập viện nghi ngộ độc do ăn cá hồng]

Tuy chưa có ca tử vong nhưng người dân cần chủ động trang bị kiến thức, tránh ăn các loại sinh vật biển độc hại.

Trong chuyến công tác hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021 của Đoàn công tác số 4 thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa do Quân chủng Hải quân tổ chức, phóng viên TTXVN đã có dịp tìm hiểu thêm về thực trạng trên.

Vào tháng 3/2021, tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã tiếp nhận điều trị cho hai trường hợp ngộ độc sinh vật biển chỉ trong vòng một tuần.

Theo bệnh án, bệnh nhân Nguyễn Kim Phi (Tiền Giang) được xác định ngộ độc cá biển; đã được điều trị 5 ngày tại Trung tâm Y tế thị trấn với diễn tiến bệnh ngày một nặng, có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, suy gan, suy thận cũng như cơ quan tạo máu.

Bệnh nhân còn lại là ngư dân Nguyễn Tràm (sinh năm 1986), bị trúng độc của sinh vật biển khi đang lặn sâu.

Cả hai bệnh nhân đều diễn tiến bệnh có chiều hướng xấu đi, nên đội ngũ bác sỹ tại trung tâm đã liên hệ với Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để được đưa bệnh nhân vào đất liền điều trị.

Phía Bệnh viện Quân y 175 đã cử Tổ cấp cứu bằng đường không sớm vận chuyển 2 bệnh nhân này về đất liền điều trị ngay trong đêm.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175, thời điểm đó, các bệnh nhân ở hai đảo khác nhau (Trường Sa và Sinh Tồn), đều trong tình trạng nặng. Cả hai bệnh nhân đã được hồi sức cấp cứu bằng những kỹ thuật hiện đại nhất và may mắn qua cơn nguy kịch.

Đến thời điểm hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đã về nhà và sức khỏe tốt.

Bệnh nhân Nguyễn Kim Phi chia sẻ: “Lúc đầu, tôi được đưa vào đảo Đá Tây để cấp cứu do tàu đánh bắt cá đang gần đó, do diễn tiến nặng nên được chuyển sang đảo Trường Sa và rồi vào đất liền. Nếu thời điểm đó cấp cứu chậm khoảng 8-12 tiếng, tôi khó mà có kết quả phục hồi sớm."

Trước đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã tiếp nhận ngư dân Nguyễn Hiệp (Đà Nẵng) trong tình trạng mắt trũng, môi khô, chóng mặt, buồn nôn, không tự đi được.

Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán ngư dân Hiệp bị ngộ độc do ăn nhầm cá biển có chứa độc tố. Các bác sỹ của trung tâm nỗ lực cấp cứu và bệnh nhân đã ra viện trong vòng 5 ngày sau khi điều trị.

Đại úy, bác sỹ Dương Xuân Minh, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa kể, bệnh nhân Nguyễn Hiệp vào viện,  được xác định là ngộ độc cá và có triệu chứng của sốc phản vệ nhẹ. Tại thời điểm đó, các bác sỹ của trung tâm dùng than hoạt tính để loại bỏ các chất độc trong đường tiêu hóa, đồng thời truyền dịch bổ sung, tránh tình trạng hạ huyết áp và dùng các thuốc hồi sức cho bệnh nhân.

Qua được giai đoạn nguy hiểm, các bác sỹ bắt đầu điều trị bổ sung, nâng đỡ cơ thể cho bệnh nhân.

Mới đây, bệnh xá trên đảo Nam Yết đã tiếp nhận một ca ngộ độc ở da do chạm trúng phải độc của san hô hoặc hải quỳ trong quá trình làm việc.

Đại úy, bác sỹ Dương Công Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Nam Yết khuyến cáo ngư dân và quân dân trên huyện đảo Trường Sa không nên ăn, cũng không nên thử các động vật lạ, nhất là cá nóc hay một số loại cá hồng.

Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) đã thống kê được 39 loài sinh vật biển tại Việt Nam có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Danh sách này bao gồm 22 loài cá, 1 loài bạch tuộc, 2 loài ốc, 3 loài cua, 1 loài sam và 10 loài thuộc họ rắn biển. Điểm đặc biệt nhận biết sinh vật có độc là hầu hết các sinh vật này đều có màu rất sặc sỡ. Do đó, giới chuyên môn khuyến cáo khi gặp những loại sinh vật này, người dân cần thận trọng, không nên tùy tiện chạm vào hay ăn nhầm chúng.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cùng chuyến đi của Đoàn công tác số 4, cho biết số lượng sinh vật biển có chứa độc tố trên thực tế có thể còn cao hơn gấp nhiều lần so với số liệu các nhà khoa học thống kê được.

Do đó, những mối nguy hiểm do sinh vật biển gây ra là tiềm ẩn, có thể tấn công cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đang sinh sống, làm việc quanh huyện đảo Trường Sa bất cứ lúc nào.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Gia Bình khuyến cáo đến thời điểm hiện tại, những trường hợp ngộ độc sinh vật biển do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.

Nếu người dân ăn phải những loại ốc, cá lạ có chứa độc tố này cần nhanh chóng kích thích nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Điều quan trọng nhất là khi xảy ra ngộ độc cần bình tĩnh sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp y tế kịp thời, tránh nguy hiểm tới tính mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục