Cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á: Nhìn lại năm 2022 và dự báo năm 2023

Cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn khiến thế giới bất an và khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những chiến trường chính để hai nước lớn quyết liệt tranh giành ảnh hưởng.
Cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á: Nhìn lại năm 2022 và dự báo năm 2023 ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Theo bài viết trên trang voachinese.com, trong năm 2022, phần lớn các nước trên thế giới đã dần bước ra khỏi màn sương mù của đại dịch COVID-19, cuộc sống nhìn chung đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn khiến thế giới bất an và khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những chiến trường chính để hai nước lớn quyết liệt tranh giành ảnh hưởng.

Về vấn đề này, giới quan sát đã phân tích chính sách kinh tế, cuộc chiến tuyên truyền của Mỹ và Trung Quốc đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời dự đoán các mục tiêu kinh tế và chiến lược của hai nước tại Đông Nam Á trong năm 2023.

RCEP có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thương mại?

Chính sách kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á trong năm 2022 chính là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định kinh tế và thương mại lớn nhất thế giới, có sự tham gia của 15 quốc gia thành viên bao gồm tất cả các nước ASEAN, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 25 vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc và ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức cao mới, cụ thể đạt 798,4 tỷ USD trong tháng 1-10/2022, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc như Đài truyền hình trung ương đã ca ngợi rằng tiềm lực thị trường của RCEP không ngừng được kích thích và lợi tức của các chính sách của RCEP tiếp tục thể hiện rõ.

RCEP dường như đã mang lại một bản thành tích kinh tế sáng sủa cho Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, trước khi RCEP có hiệu lực, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong hơn 10 năm liên tiếp và quan hệ kinh tế song phương đã tương đối gắn bó.

[Hạ viện Mỹ thành lập ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc]

Hunter Marston, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng có thể còn quá sớm để nói rằng RCEP đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho các quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Marston lý giải việc thương mại ASEAN-Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 (10 tháng đầu năm) được nhiều người quan tâm chú ý, nhưng thật khó để khẳng định rằng tăng trưởng thương mại giữa hai bên chủ yếu đến từ RCEP hoặc liệu sự tăng trưởng này đã có từ trước khi RCEP có hiệu lực.

Xét từ nhiều mặt, RCEP chỉ hạ thấp các rào cản và làm cho thương mại hiệu quả hơn, nhưng cho đến nay, khó có thể khẳng định rằng hiệp định này đã mang lại những lợi ích trực tiếp và rõ ràng.

Một số chuyên gia cũng không cho rằng RCEP có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn, chẳng hạn như tờ South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) dẫn lời Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich của Hong Kong, hồi tháng Tám năm nay cho biết RCEP không thể mang lại về những thay đổi đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào... Đây là một thỏa thuận không đủ cấu trúc, đồng thời cũng tạo ra rất nhiều trở ngại và hạn chế.

Deborah Elms, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại châu Á, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, cũng nói với tờ South China Morning Post rằng các quốc gia thành viên RCEP đã có các hiệp định thương mại tự do vượt xa RCEP và có thể được nâng cấp để vượt trội hơn RCEP.

Bảy nước ASEAN gấp rút tham gia IPEF

Giới quan sát cũng chỉ ra rằng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ, chính thức khởi động vào tháng 5/2022, cho đến nay, chưa có hiệu quả kinh tế và thương mại thực tế nào để khiến Đông Nam Á giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc trong thời gian ngắn.

Phó giáo sư Trần Tôn Nham thuộc Viện Khoa học Chính trị, Đại học Tôn Trung Sơn ở Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng trong ngắn hạn IPEF không thể làm thay đổi tình hình Đông Nam Á dựa vào Trung Quốc về kinh tế trong nhiều năm qua.

IPEF không có những ràng buộc áp đặt, vì vậy, các quốc gia tham gia quả thực có thể đánh giá mức độ mà họ muốn đạt được theo cấu trúc IPEF của riêng họ.

IPEF hiện có 14 nước thành viên gồm Mỹ, 7 nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Fiji, chia sẻ 4 trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng và đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng Chín.

Học giả Marston thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng ngoài Myanmar, Campuchia và Lào, các nước ASEAN còn lại đã tham gia IPEF, dù chưa có hiệu quả thực sự nhưng cũng đại diện cho sự tham gia kinh tế của Mỹ ở Đông Nam Á vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh kinh tế trong ASEAN

IPEF với một nửa số thành viên đến từ ASEAN, đã công bố bốn trụ cột, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. Về vấn đề này, học giả Marston dự đoán rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các chi tiết cụ thể hơn vào năm 2023, nhưng cấu trúc của IPEF vẫn không thay đổi.

Chính quyền của ông Biden sẽ không mở rộng sang tiếp cận thị trường vì điều này vẫn chưa được thảo luận, do đó IPEF sẽ vẫn là một sáng kiến hoặc nền tảng kinh tế hơn là một hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, chuyên gia Marston cũng cho rằng trong năm 2023 không nên xem nhẹ ảnh hưởng thương mại đáng kể của Trung Quốc trong ASEAN và quy mô đầu tư của Trung Quốc đối với ASEAN sẽ bắt kịp Mỹ. Điều này có thể khiến Đông Nam Á chịu nhiều cú sốc nghiêm trọng hơn do cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục được coi là một nước lớn kinh tế do quy mô thương mại lớn và nước này thực sự là một bên tham gia kinh tế có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Thậm chí cả về đầu tư, Trung Quốc đang thực sự bắt kịp Mỹ với tốc độ khá nhanh nên hiện nay ưu thế cạnh tranh của Mỹ ở ASEAN đã có phần giảm. Mặc dù đầu tư của Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng ASEAN đang trở thành một khu vực được nhiều bên cạnh tranh hơn.

Theo Báo cáo đầu tư ASEAN 2022, Mỹ đứng đầu về đầu tư vào ASEAN năm 2022, với số tiền 40 tỷ USD, tăng 41%, trong khi đầu tư của Trung Quốc tăng gần 96%, đạt gần 14 tỷ USD.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, Tổng thống Mỹ Biden đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN lần thứ nhất tại Mỹ vào tháng 5/2022 và công bố khoản đầu tư 150 triệu USD vào ASEAN, bao gồm cơ sở hạ tầng, an ninh hàng hải và đầu tư y tế.

Ông Biden cũng đã đến Phnom Penh vào tháng 11 để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ thường niên, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị cấp cao này kể từ năm năm 2017.

Ông cũng nói rằng ASEAN là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và mong muốn thiết lập một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, ổn định, thịnh vượng, kiên cường và an toàn.

Trước chiến lược tuyên truyền của Mỹ đối với ASEAN trong năm nay, Phó Giáo sư Trần Tôn Nghiêm cho rằng, Mỹ chủ yếu tập trung vào Đông Nam Á và nền kinh tế của khu vực này cũng như hợp tác thương mại, với hy vọng giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Đối với Mỹ, điều họ hy vọng nhất là tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, vì Mỹ và Trung Quốc hiện đang tồn tại các vấn đề kinh tế và thương mại, các vấn đề về chuỗi cung ứng nên muốn xích lại gần các nước Đông Nam Á hơn và để Đông Nam Á thoát khỏi hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trần Tôn Nghiêm cũng cho rằng dù là chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất hay xuất nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu… thì Trung Quốc vẫn là đối tác rất quan trọng của ASEAN, không thể yêu cầu Đông Nam Á tách khỏi mạng lưới quyền lực kinh tế của Trung Quốc trong một sớm một chiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục