Cau chuyen dang sau nhung chiec logo co "tuoi doi" cao nhat the gioi hinh anh 1Logo của hãng bia Bass đã xuất hiện trong một bức tranh của danh họa Édouard Manet. (Nguồn: CNN)

Nhãn hiệu có “tuổi đời” lâu nhất được lưu lại trong danh sách đăng ký tại Mỹ là biểu tượng thương hiệu (logo) của nhà sản xuất sơn Averill ra mắt vào năm 1870. 

Nhãn hiệu này nổi bật với hình ảnh một chú đại bàng cầm cọ vẽ bằng mỏ trên nền thành phố Chicago, đi kèm với thông điệp “Bền, Đẹp, Tiết kiệm”. Sau bao nhiêu năm nhìn lại, nhãn hiệu cổ này vẫn có một sức hấp dẫn lạ thường. 

5 năm sau đó, nhà máy bia Bass của Anh cũng đăng ký nhãn hiệu đầu tiên ở Châu Âu. Logo tam giác đỏ đơn giản nhưng hiện đại đã chính thức trở thành hình ảnh đại diện của hãng bia này và được ứng dụng cho đến tận ngày nay. Thậm chí, biểu tượng này đã từng xuất hiện trên các chai bia trong tranh vẽ của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Édouard Manet và Pablo Picasso. 

Hai bản logo nêu trên dù mang quan điểm thẩm mỹ khác nhau nhưng đã thể hiện được sự đa dạng trong nghệ thuật thiết kế logo một cách tinh tế. 

Theo chia sẻ của Jens Müller, tác giả cuốn sách “Khởi nguồn của Biểu tượng thương hiệu” (Logo Beginnings), trong khi các logo thô sơ, như một số hình ảnh biểu tượng xuất hiện trên đồ gốm Hy Lạp cổ đại đã tồn tại hàng nghìn năm, phải đến giữa thế kỷ 19 thế giới mới thấy thực sự thấy được sự phát triển của những thiết kế nhận diện thương hiệu hiện đại. 

Vào thời điểm đó, khi quy mô kinh doanh các hàng hóa sản xuất đã bắt đầu vượt ra ngoài phạm vi phân phối trong khu vực, nhu cầu xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp cũng được hình thành. 

Với một nhãn hiệu đặc trưng, người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm cũng như câu chuyện, xuất xứ của nó và tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm trong thị trường.

Theo tác giả Müller, tất cả các logo đã được thiết kế từ trước đến giờ đều có thể được phân loại vào một trong hai danh mục cơ bản là nhóm thiết kế mang tính biểu tượng và nhóm mang tính trừu tượng.

Tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều các danh mục phụ nhằm phân loại các thiết kế nhận diện.

Những nhãn hiệu sử dụng các biểu tượng thường sẽ được sắp xếp trong khung tròn giống một con dấu. Điển hình như logo của hãng xe hơi lừng danh BMW. Một số nhãn hiệu lại sử dụng hình ảnh của một nhân vật đại diện, hoặc một dấu hiệu hình ảnh lấy từ biểu tượng có sẵn để tạo điểm nhấn riêng như thương hiệu KFC hoặc Apple. 

Để đưa ra được nhận định này, Müller đã phân tích gần 10,000 bản thiết kế logo. Một điều mà Müller không ngờ tới là có rất nhiều logo thuộc nhóm biểu tượng chữ, loại thiết kế chỉ sử dụng văn bản, như tên công ty hoặc biểu tượng chữ lồng (Monogram) và đặc biệt là chữ ký của nhà sáng lập, nổi bật như logo nguyên bản của Ford hoặc Kellogg vẫn được ứng dụng ngày nay. 

Tuy nhiên, nhãn hiệu dạng chữ nổi tiếng nhất phải kể đến logo của Coca-Cola, được ra mắt vào năm 1886 và thiết kế bởi Frank M. Robinson theo phong cách Spencerian, lấy cảm hứng từ một phông chữ viết tay phổ biến vào thời điểm đó. 

Từ thời điểm ra mắt đến nay, thiết kế này tưởng chừng như không có chút thay đổi nào. Tuy nhiên vào năm 1893, đuôi của chữ C trong nhãn hiệu Coca-Cola đã được kéo dài và đăng ký chính thức làm biểu tượng chính thức, do tồn tại quá nhiều thiết kế bắt chước logo của doanh nghiệp này. 

Năm 1923, sau khi đăng ký bản quyền, Coca-Cola đã công bố một tập hợp gồm 700 trang các lệnh của tòa án, nhằm chống lại những đối thủ cạnh tranh đã sao chép hoặc tạo ra các thiết kế nhãn hiệu tương tự. 

Trường hợp của Coca Cola được lưu lại trong lịch sử thiết kế logo, như một lời nhắc nhở cho các doanh nghiệp hãy chủ động bảo vệ bộ nhận diện sản phẩm của mình khỏi sự nhòm ngó của những kẻ đạo nhái./.

(Vietnam+)