CELAC thông qua cơ chế và kế hoạch hành động

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã nhất trí dùng cơ chế đồng thuận cho quyết định của tổ chức.
Ngày 3/12, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), diễn ra tại thủ đô Caracas của Venezuela trong hai ngày 2-3/12, đã thông qua cơ chế hoạt động của tổ chức, theo đó nhất trí áp dụng cơ chế đồng thuận cho tất cả các quyết định của tổ chức mới được thành lập này.

CELAC đã tạo ra một cơ chế tham vấn khẩn nhằm truyền tải nhanh các tuyên bố trong những điều kiện không lường trước về các vấn đề khẩn cấp.

Trong trường hợp nêu trên, Chủ tịch lâm thời có thể đề xuất một tuyên bố hay thông cáo, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, cho các thành viên cơ quan Troika phê duyệt (trước đó Troika sẽ tham khảo nhanh ý kiến và sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên). Troika là một cơ quan hỗ trợ cho Ban Chủ tịch lâm thời, gồm các nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch lâm thời hiện tại, trước đó và tiếp theo.

CELAC gồm 7 cơ quan là Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Hội nghị Ngoại trưởng, Ban Chủ tịch lâm thời, Hội nghị Điều phối viên quốc gia, các hội nghị chuyên ngành và Troika.

Quy chế của CELAC quy định các ngoại trưởng sẽ nhóm họp 2 lần trong năm để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh, hình thành các nhóm làm việc nhằm đạt được các mục tiêu trong việc thúc đẩy và phát triển đối thoại chính trị về các chủ đề quan tâm chung.

Ngôn ngữ chính thức của CELAC gồm Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Anh và Bồ Đào Nha.

Trong phiên họp toàn thể, 33 thành viên của CELAC cũng thông qua Kế hoạch hành động Caracas năm 2012, khẳng định đối phó với khủng hoảng tài chính sẽ là một vấn đề quan trọng của khối trong năm tới.

Các nguyên thủ và đại diện các nước tham dự hội nghị xác định thiết lập các công cụ nhằm nâng cao khả năng thương mại nội khối bên cạnh việc tăng cường năng lực để ngăn chặn khủng hoảng cũng như các rủi ro tài chính trong khu vực.

Trên tinh thần đó, CELAC lên kế hoạch trong năm 2012 sẽ đưa ra một cấu trúc tài chính mới nhằm tăng cường cơ chế tài chính và công nhận các tiến bộ của các hệ thống liên quốc gia và khu vực trong thanh toán, tín dụng và tài trợ.

CELAC cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) giúp đỡ về các vấn đề chính trị và tài chính liên quan, đồng thời yêu cầu Tổ chức Mỹ Latinh về hội nhập (ALADI) hợp tác thúc đẩy đầu tư trực tiếp trong khu vực.

Kế hoạch hành động Caracas 2012 cũng đề xuất các chủ đề khác về bảo vệ xã hội, môi trường, văn hóa và công nghệ, trong đó có bảo vệ dân nhập cư, đối thoại hội nhập khu vực và tiểu khu vực, phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Trong phiên bế mạc, các thành viên CELAC đã thông qua tuyên bố chung trong đó đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, tăng cường hội nhập, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.

Các thành viên CELAC cũng thông qua một văn bản ủng hộ Argentina trong tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas mà Anh gọi là quần đảo Falkland, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon can thiệp vấn đề trên.

Cụ thể, CELAC yêu cầu Chủ tịch lâm thời của khối trình đề nghị trên lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhằm tác động tới khả năng nối lại các cuộc đàm phán giữa Argentina và Anh về chủ quyền của quần đảo. Thông cáo đặc biệt này chỉ ra rằng các thành viên của CELAC ủng hộ quyền pháp lý của Argentina trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo này và các vùng biển xung quanh.

Thông cáo tái khẳng định sự quan tâm của các nước Mỹ Latinh và Caribe về việc Argentina và Anh nối lại đàm phán sớm nhất để tìm ra giải pháp hòa bình, chấm dứt tranh chấp.

Hội nghị thượng đỉnh CELAC lần thứ nhất, một liên minh mới trong khu vực mà không bao gồm Mỹ và Canada, được coi là cơ chế hội nhập mới thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vốn thường xuyên bị chỉ trích chịu sự thao túng của Mỹ. CELAC mang bản sắc riêng và thừa hưởng di sản của tổ chức Nhóm Rio và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Latinh và Caribe.

Tổ chức mới này đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.

Theo kế hoạch, Hội nghị thường niên của CELAC sẽ được tổ chức tại Chile vào năm 2012, Cuba vào năm 2013 và Costa Rica năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục