Champasak - mảnh đất giàu tiềm năng ở vùng Nam Lào

Champasak có vị trí kinh tế quan trọng đối vì ngoài du lịch, đây còn là vựa lúa, vựa cá ở cực Nam nước Lào.
Champasak - mảnh đất giàu tiềm năng ở vùng Nam Lào ảnh 1Cầu Hữu nghị Việt-Nhật tạo thuận lợi cho kinh tế tỉnh phát triển. (Ảnh: Hoàng Chương/Vietnam+)

Champasak là tỉnh quan trọng nhất của vùng Nam Lào. Đây là tỉnh có nhiều cù lao nhất ở Lào nên có tên gọi là "Siphandon" (bốn ngàn cù lao).

Ngoài di sản thế giới là khu đền Wat Phou, Champasak còn có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp và điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch như các thác nước Khon Phapheng, Phaxuom, Liphi... cùng nhiều dòng sông quan trọng chảy qua như Mekong, Sedon.

Champasak có vị trí kinh tế quan trọng đối vì ngoài du lịch, đây còn là vựa lúa, vựa cá ở cực Nam nước Lào. Hơn nữa Champasak còn có cao nguyên Boloven, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển với khí hậu quanh năm mát mẻ, đất màu mỡ, có giá trị cao, thích hợp với sản xuất nông nghiệp, trồng rau, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp.

Tỉnh trưởng Champasak Sonexay Siphandone cho biết tỉnh đã quy hoạch cao nguyên Boloven thành vùng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, gồm huyện Paksong và một phần của huyện Ba Chieng Chaleunsouk và tập trung trồng cây càphê, rau củ quả, chăn nuôi gia súc làm hàng hóa.

Càphê được coi là cây trồng chiến lược và là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Trước đây, sản lượng càphê của Champasak chỉ đạt 800kg/ha nhưng từ năm 1994, nhờ các doanh nghiệp trong nước đưa vào sử dụng kỹ thuật trồng càphê hiện đại nên sản lượng càphê của tỉnh đã tăng đáng kể. Chính tập đoàn Dao Heuang của doanh nghiệp Việt kiều đã đi tiên phong ở tỉnh trong việc đưa kỹ thuật và chuyên gia Việt Nam vào giúp, nâng sản lượng càphê lên đến 2-3 tấn/ha, thậm chí một số hộ gia đình còn sản xuất 3-4 tấn/ha.

Hiện tỉnh Champasak sản xuất khoảng 38.000 tấn càphê/năm sang các nước và lãnh thổ gồm Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn Dao Heuang đã đưa nhà máy chế biến càphê thành phẩm vào hoạt động. Đây là nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Lào.

Ngoài càphê, các sản phẩm rau, củ, quả sạch xuất khẩu sang Thái Lan mỗi năm cũng đem về cho Champasak hàng triệu USD. Bên cạnh sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trị giá 31,85 triệu USD, cao su cũng đem lại nguồn thu lớn của tỉnh với trị giá 26 triệu USD.

Phát huy những lợi thế về đất đai và khí hậu, Champasak đang tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa như trồng hoa, nuôi cá nước lạnh (cá tầm)... nhằm phát triển kinh tế địa phương phát triển toàn diện, hoàn thành mục tiêu mà tỉnh đã đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục