Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm Tết

Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, giá xăng dầu, giá gas trong nước đi lên là những yếu tố làm cho CPI tháng Một tăng 0,06% so với tháng 12/2020.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm Tết. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm Tết. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Ngày 29/1, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng Một, cho biết đây là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Theo đó, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình đã đi lên đồng thời giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Đó là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng nhích 0,06% so với tháng 12/2020.

Tuy nhiên, CPI đã giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó CPI khu vực thành thị giảm 0,60%, khu vực nông thôn giảm 1,38%. Như vậy, lạm phát cơ bản tháng Một chỉ tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2020 và là các mức tăng thấp nhất của tháng Một trong vòng 5 năm gần đây.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm Tết ảnh 1Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,29% là do giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 11 và 26/1, cụ thể giá xăng E5 tăng 790 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 800 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 670 đồng/lít so với tháng trước. Kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,64% so với tháng trước chủ yếu do nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm giá nhiều nhất 2,31%, chủ yếu từ việc giá điện sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian từ tháng 10-12/2020. Tiếp theo, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,1%, nguyên nhân do giá các mặt hàng điện thoại di động giảm khi các hãng điện thoại cạnh tranh giảm giá vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.

Về lương thực, chỉ số giá gạo trong tháng đã tăng 1,04% so với tháng trước và làm cho CPI chung tăng 0,03%. Theo báo cáo, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước Philippin, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, châu Phi… tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá gạo tăng, như gạo nếp tăng 0,69%, gạo tẻ ngon tăng 0,81%, gạo tẻ thường tăng 1,11% so với tháng trước.

Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng cuối năm của người dân tăng cao, bình quân tháng Một, giá vàng tăng 2,17% và dao động quanh mức 5,45 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Về tỷ giá, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng Một giảm 0,16% so với tháng trước, giá USD bình quân trên thị trường tự do tháng Một quanh mức 23.178 VND/USD./.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm Tết ảnh 2Nguồn: Tổng cục Thống kê
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục