Chỉ thị số 40: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đã có 15.697 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp gần 4,1 lần so với giai đoạn trước.
Chỉ thị số 40: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng ảnh 1Nguồn vốn ưu đãi chính sách đã tạo việc làm cho người lao động. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Năm năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đi vào cuộc sống, không phải là một thời gian dài. Song, những kết quả bước đầu triển khai Chỉ thị này minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng trực tiếp giải quyết những vấn đề nội tại trong triển khai tín dụng chính sách xã hội mà còn tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người nghèo.

Đột phá từ tư duy

Đã có 15.697 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động từ sau khi Chỉ thị số 40 đến 30/6, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp gần 4,1 lần so với giai đoạn trước, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/6 đạt 19.505 tỷ đồng. Song sự tăng trưởng này không lũy tiến đều hơn 5 năm qua mà là kết quả của một cuộc vận động chuyển biến từ tư duy nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương với tín dụng chính sách xã hội, với sự góp công không nhỏ của từng cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn thể không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát mà còn chung tay cùng Chính phủ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó là việc quán triệt và triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40 trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đến từng cán bộ đảng viên, đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện Chỉ thị với kết quả hoạt động hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị cũng như người đứng đầu.

[Năm năm thực hiện Chỉ thị 40: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân]

Đặc biệt, việc lồng ghép triển khai và đánh giá Chỉ thị số 40 tại các vùng “lõi nghèo” quốc gia qua các hội nghị thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Nam Bộ, Tây Bắc đã góp phần chứng minh hiệu lực của Chỉ thị số 40 trong cuộc sống ngay khi đi vào cuộc sống. Từ đó tạo ra những bước chuyển biến đột phá cho công tác tín dụng chính sách những năm sau này trên toàn quốc.

Nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từ đó dành nguồn lực lớn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Định, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và nhiều địa phương khác.

Ngay cả những tỉnh ngân sách địa phương còn khó khăn song đã tìm ra những nguồn vốn mới để ủy thác với sự tham mưu kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội

Ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), Mặt trận tổ quốc nơi đây đã tổ chức các cuộc vận động huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã 485 triệu đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thái Nguyên đã huy động từ doanh nghiệp được trên 8,6 tỷ đồng chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối tượng chính sách.

Cộng hưởng sức mạnh cho bảo đảm an sinh xã hội

Sự đồng hành, thấu hiểu nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách cũng là cơ sở để dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham mưu Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động báo cáo các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao năng lực tài chính, chủ động cho vay các chương trình chính sách trong điều kiện nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngày càng bị hạn chế.

Cùng với sự tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên và người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội không quản ngày nghỉ, nắng mưa, giá rét... đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo lên thành công chung của Chỉ thị số 40.

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện hết sức cố gắng là chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như có mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta.”

Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết thời gian tới tiếp tục tham mưu cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác vay, gắn việc đánh giá chất lượng tín dụng chính sách xã hội với việc đánh giá, xếp loại hàng năm của tổ chức, đơn vị.

Phía ngân hàng này cũng đang nghiên cứu xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2020-2030; nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo. Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục