Chiến tranh lạnh với Trung Quốc - sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ?

Nếu Mỹ vẫn kiên định phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ phạm phải sai lầm chiến lược lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chiến tranh lạnh với Trung Quốc - sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo Trang mạng đa chiều, Vương Thần, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ, hầu như không ai tin rằng chiến tranh lạnh giữa các cường quốc có thể xảy ra một lần nữa.

Tuy nhiên, một loạt động thái gần đây của Chính quyền Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sự kiện mang tính biểu tượng nhất là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Thư viện và bảo tàng Richard Nixon ngày 23/7, vốn được coi là “Tuyên ngôn Chiến tranh Lạnh mới” khi ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ tạo dựng một “liên minh dân chủ mới” để “thay đổi Trung Quốc."

Rõ ràng, một số giới tinh hoa xã hội và lãnh đạo chính trị Mỹ vẫn còn mang tư duy Chiến tranh Lạnh trước đây và cố gắng tái khởi động cuộc chiến này. Có điều, mục tiêu của cuộc chiến tranh lạnh lần này không phải là Liên Xô mà là một nước Trung Quốc bị chính quyền Trump coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Thế nhưng, nếu Mỹ vẫn kiên định phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ phạm phải sai lầm chiến lược lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thứ nhất, Trung Quốc về bản chất không giống Liên Xô trước đây.
Về mặt chính trị, mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì chế độ độc đảng nhưng đã không còn đi theo hệ tư tưởng cứng nhắc, ngược lại chính sách của Trung Quốc đã linh hoạt và thực dụng hơn.

Trung Quốc chủ trương xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc nhưng chưa từng chủ động “xuất khẩu” mô hình phát triển của mình, và thực tế thì mô hình này không thể áp dụng phổ biến.

Về kinh tế, mặc dù các nước phương Tây không thừa nhận nhưng cơ chế thị trường đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Thị trường và mở cửa là nền tảng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hàng chục năm qua. Điều quan trọng là từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc chưa bao giờ xác định bản thân là nước chống Mỹ trong chiến lược đối ngoại.

Mặc dù Trung Quốc không đồng ý với một số chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng nước này chưa bao giờ ủng hộ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Mỹ ở bất kỳ khu vực nào và cũng không tìm cách xây dựng một liên minh quốc tế chống Mỹ.

Là nước được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế hiện có, Trung Quốc không có ý định phá vỡ hệ thống này mà cố gắng tránh đối đầu trực diện với Mỹ, hy vọng thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quốc tế hiện có thông qua hợp tác Trung-Mỹ.

Thứ hai, thế giới ngày nay khác với thế giới giai đoạn đầu sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và nhất thể hóa kinh tế toàn cầu đã biến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu”, nền kinh tế các nước đã dần hình thành cục diện ràng buộc, gắn bó chặt chẽ. Dưới tác động của cơ chế thị trường, nền kinh tế của các nước đã sớm hòa nhập vào nhau, mọi nỗ lực đơn phương “tách rời” sẽ không tránh khỏi để lại hậu quả cho chính nền kinh tế đó.

[Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương]

Trên thực tế, không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt với những thách thức mà cả nhân loại phải đối mặt trong thời đại toàn cầu hóa. Cho dù đó là đại dịch COVID-19, chủ nghĩa khủng bố hay các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm xuyên quốc gia… đều cần sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, trong thời đại thông tin, việc hình thành một mặt trận đối lập bằng cách tạo dựng sự đối lập về ý thức hệ đã không còn khả thi nữa.
Một mặt, ưu thế đạo đức và sức mạnh mềm của Mỹ sau chiến tranh đang dần suy giảm. Những khái niệm như tự do, dân chủ, bình đẳng và nhân quyền mà Mỹ chủ trương từ lâu đã mất đi sức hấp dẫn khi thực tế hiện nay là sự phân cực chính trị, kỳ thị chủng tộc, đối ngoại bá quyền...

Đối mặt với đại dịch COVID-19, một đại dịch mà dường như Mỹ đã không còn kiểm soát được, một số giới tinh hoa nước này đã bắt đầu nghĩ lại về các vấn đề trong chính thể chế chính trị và xã hội của nước Mỹ.

Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc sử dụng độc quyền thông tin để tạo ra đối đầu về ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh đã mất đi ý nghĩa của nó. Cho dù một số người ở Mỹ cố tình hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc công kích ý thức hệ của Trung Quốc, cũng không thể phủ nhận những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, càng khó cáo buộc Trung Quốc tạo ra sự đối kháng ý thức hệ theo kiểu “một mất, một còn” trong cộng đồng quốc tế.

Tất nhiên, sự mở rộng quyền lực nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho xung đột lợi ích Trung-Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, công nghệ và ngoại giao ngày càng trở nên rõ nét.

Không khó để đổ lỗi cho Trung Quốc, nhưng đó không phải là cách giải quyết vấn đề nội bộ của Mỹ. Tái khởi động Chiến tranh Lạnh có thể sẽ là sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục