Ngày 18/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương, đã đến thăm bộ đội và đồng bào biên giới Lộc Ninh, Bình Phước.
Lộc Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, phên dậu của Tổ quốc, tại chiến trường Lộc Ninh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ từng diễn ra những trận đánh ác liệt.
Được giải phóng sớm nhất miền Nam, sau năm 1972, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân ủy miền Nam.
Đây cũng là đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, đầu mối giao thông kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến lớn; nơi diễn ra các cuộc đàm phán của các phái đoàn quân sự về đình chiến theo Hiệp định Paris đồng thời là địa điểm đặt trụ sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày giải phóng, thực hiện đường lối đổi mới, từ một huyện miền núi khó khăn, Lộc Ninh đang từng bước nâng cấp hạ tầng giao thông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồi rừng hoang hóa, đổi thay cuộc sống đồng bào dân tộc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình an ninh, quốc phòng, sản xuất biên mậu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh; thăm Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh và trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tặng quà các gia đình chính sách, làm việc với Đảng ủy, chính quyền nhân dân xã Lộc An (huyện Lộc Ninh).
Tại Lộc An, xã biên giới có 11,5km đường biên giới tiếp giáp với xã Pi Tha Nu, huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia), đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đã kiến nghị Chủ tịch nước khẩn trương hỗ trợ chương trình điện lưới quốc gia cho các vùng nông thôn của Bình Phước.
Nhiều ý kiến đề đạt Trung ương cho cơ chế để huyện, xã bổ sung vốn cho chương trình nông thôn mới; giúp địa phương về đích trong thực hiện các tiêu chí.
Trước tình hình khô hạn hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước không đủ để cung ứng cho chống hạn trên địa bàn, do vậy, ngành nông nghiệp cần sớm có kế hoạch giúp bà con, phải tăng dung tích hồ chứa.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ ấn tượng với những thành tựu về xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển cây công nghiệp, cây lương thực, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lộc An.
Chủ tịch nước cho rằng, đây thực sự là những thành tựu của quê hương cách mạng Lộc Ninh, tiếp nối truyền thống anh hùng trong kháng chiến.
Chủ tịch nước đánh giá cao bà con các dân tộc sở tại đã giữ vững khối đại đoàn kết, xây dựng tuyến biên giới hòa bình với nước bạn Campuchia.
Chủ tịch nước đề nghị người dân Lộc An, Lộc Ninh tiếp tục nêu cao tự lực, tự cường, chủ động phát huy nội lực, nhân rộng mô hình tiên tiến, giao lưu học hỏi với cả nước để trao đổi kinh nghiệm.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng không thể dừng lại. Trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, biến đổi khí hậu phức tạp từng ngày, đòi hỏi nông nghiệp phải khẩn trương ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyên canh, thâm canh theo quy trình mới; giảm phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai, giống cũ kém năng suất, chất lượng.
Đây cũng là trách nhiệm của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, làm đổi thay đời sống nhân dân.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe báo cáo một số khó khăn và hạn chế còn tồn tại trên địa bàn như: hạn hán kéo dài, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp, chưa có tín hiệu phục hồi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giải ngân vốn xây dựng cơ bản của một số dự án còn chậm, tiến độ xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu.
Để phấn đấu mục tiêu GDP của tỉnh tăng từ 6,5-7%, thu ngân sách đạt 3.850 tỷ đồng, lãnh đạo tỉnh và Binh đoàn 16 đề nghị Trung ương sớm cho triển khai đường tuần tra biên giới với kinh phí 630 tỷ đồng; quan tâm tăng vốn Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu; cho triển khai hai dự án đường sắt Dĩ An-Lộc Ninh và tuyến đường sắt Tây Nguyên; nâng cấp thị xã Đồng Xoài lên thành phố; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ đời sống sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các điểm trường tại các xã biên giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã giữ được mức tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn. Một số lĩnh vực như xây dựng nông thôn mới, đối ngoại, xóa đói giảm nghèo có chuyển biến tích cực.
Chủ tịch nước căn dặn: So với nhiều địa phương trong cả nước, nhiều chỉ số đạt được của Bình Phước như sản lượng cao su, tiêu, hạt điều... đang dẫn đầu nhưng còn khoảng cách so với nhiều nước khu vực. Do vậy, tỉnh phải dự báo được tình hình để nhanh chóng có giải pháp.
Liên hệ về tình hình biến đổi khí hậu đang tác động phức tạp đến Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước mong muốn những công trình hạ tầng ở Bình Phước cần phải gắn phục vụ dân sinh với đảm bảo ứng phó được với biến đổi khí hậu.
Đề nghị các ban ngành, địa phương cần sớm triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý tỉnh quan tâm đến tình hình hội nhập, hiểu rõ vị trí, tiềm năng, lợi thế, thách thức của các mặt hàng xuất khẩu, chuyển phương thức canh tác mới, để đạt được trình độ quốc tế trong thời gian ngắn.
Về các đề xuất hỗ trợ nâng cấp hạ tầng, đường tuần tra biên giới, đường sắt kết nối Bình Phước với các tỉnh lân cận..., Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành xem xét, trên tinh thần đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tạo điều kiện để địa phương phát triển nhưng không làm phát sinh các khoản vay ODA, để lại gánh nặng cho ngân sách.
Biểu dương kết quả đạt được của Binh đoàn 16, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng cán bộ, chiến sỹ đơn vị sẽ cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh làm thật tốt chức năng kinh tế - quốc phòng, đảm bảo an ninh trên địa bàn khu vực biên giới Nam Tây Nguyên./.