Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Kiên Giang đã tổ chức quán triệt các văn bản về công tác bầu cử của Trung ương và tổ chức triển khai xuống tận cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Từ ngày 18-19/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, và Đoàn công tác đã làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh Kiên Giang; Ban chỉ đạo công tác bầu cử thành phố Hà Tiên.

Cùng tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình...

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Kiên Giang đã tổ chức quán triệt các văn bản về công tác bầu cử của Trung ương và tổ chức triển khai xuống tận cơ sở.

[Bầu cử QH và HĐND: Người ứng cử đảm bảo đúng cơ cấu, đủ tiêu chuẩn]

Đầu năm nay, trong lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Kiên Giang có đường biên giới đất liền, biên giới trên biển đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Hiện Ủy ban Bầu cử các cấp tại Kiên Giang đã được thành lập và tỉnh đang triển khai nhiệm vụ theo quy định. Trong đó có Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, tất cả 15 huyện, thành phố đã thành lập Ủy ban Bầu cử cấp huyện và 144/144 xã, phường, thị trấn thành lập Ủy ban Bầu cử cấp xã.

Đến nay, toàn bộ hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được cơ quan chức năng tiếp nhận đầy đủ theo quy định.

Cụ thể, ứng cử đại biểu Quốc hội có 12 hồ sơ, cấp tỉnh 139 hồ sơ và cấp huyện 950 hồ sơ, cấp xã 7.466 hồ sơ. Tất cả những việc theo tiến độ Kiên Giang đã làm bài bản và đầy đủ, đúng theo quy định.

Hiện Kiên Giang có 56km đường biên giới. Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh cần chú ý tăng cường lực lượng để kiểm soát ở những đường mòn, lối mở nhằm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, kiểm soát dịch bệnh, nhất là trong thời điểm trước và trong bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và kiểm tra các chốt biên phòng trên tuyến biên giới của thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Kiên Giang được bầu 8 đại biểu Quốc hội, tỉnh cần đảm bảo số dư theo quy định. Sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, Kiên Giang chuẩn bị để lãnh đạo, chỉ đạo Hội nghị hiệp thương lần ba, sau đó cần tăng cường tuyên truyền bầu cử, tổ chức cho các đại biểu vận động bầu cử.

Đối với những đại biểu Trung ương về ứng cử tại địa phương, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền vận động, giới thiệu, tổ chức để những đại biểu ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri một cách bình đẳng, công khai, dân chủ để tất cả các ứng viên được thể hiện mình trước cử tri. Còn cử tri, nhân dân là những người trực tiếp lựa chọn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cơ quan dân cử ở cấp xã, huyện, tỉnh cần có cơ cấu hợp lý và đã được Trung ương hướng dẫn. Do đó, Kiên Giang tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu biết đúng về cơ cấu, thành phần đại biểu được bầu, từ đó đưa ra những lựa chọn của mình; đồng thời đề nghị Kiên Giang tăng cường dành thời lượng về phát thanh, truyền hình về hỏi-đáp trong những khung giờ nhất định về bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét và có văn bản trả lời đề nghị của tỉnh về những đảo xa như đảo Thổ Chu được bầu cử sớm.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tỉnh cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị, có thể bằng hình thức trực tuyến. Ủy ban Bầu cử phải phân công người đến những đảo xa kiểm tra các điều kiện về điểm bỏ phiếu, niêm yết danh sách...

Theo Chủ tịch Quốc hội, danh sách cử tri sẽ có biến động về số dân giữa đăng ký hộ khẩu và điều tra dân số tại thời điểm đó. Do đó, trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho cử tri đi bầu cử, địa phương cần sẵn sàng bổ sung danh sách cử tri đối với người dân đi làm xa về để bà con được đi bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia có bộ phận thường trực sẵn sàng giải đáp những vướng mắc của các địa phương nên tỉnh cần chủ động liên hệ khi cần hỏi-đáp.

Sáng 19/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử thành phố Hà Tiên, Kiên Giang. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình tham dự.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh báo cáo khái quát tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Hà Tiên; tình hình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 trên địa bàn; công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sau Hội nghị hiệp thương lần hai, Hà Tiên thống nhất danh sách ứng cử là 57 đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và 282 đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, phường.

Ủy ban Bầu cử thành phố, xã, phường đã ấn định và công bố 10 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và 7/7 xã, phường công bố 46 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, phường.

Ủy ban Bầu cử các xã, phường tiến hành rà soát số lượng cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và đảm bảo tiêu chuẩn cử tri. Tổng số cử tri toàn thành phố (dự kiến) là 42.337 cử tri.

Là một trong những tuyến đầu phòng chống dịch, thành phố kiến nghị Bộ Y tế xem xét cung cấp sớm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Tiên; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên; kiến nghị Trung ương sớm triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu; kết nối giao thông biển...

Khó khăn là hiện nay trong thực hiện cách ly công dân Việt Nam từ Campuchia trở về. Nhiều công dân thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa có giấy tờ chứng minh được, do đó cần có cơ chế cho bà con nợ thủ tục để sau khi hết cách ly y tế sẽ hoàn lại thủ tục để không phải đóng phí cách ly.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về diện mạo thành phố Hà Tiên ngày càng đẹp đẽ, khang trang nhưng nhấn mạnh thành phố cần chú ý bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của một thành phố biển, không được để các công trình che lấp tầm nhìn ra biển.

Đánh giá quy mô kinh tế của Hà Tiên đạt được hiện nay còn nhỏ so với tiềm năng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Hà Tiên nên chú trọng quy hoạch du lịch để có thể phát triển từ tiềm năng này.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm nay Hà Tiên vượt kế hoạch đề ra mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Hà Tiên tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 tốt để không ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội, nhất là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ghi nhận các kiến nghị của thành phố Hà Tiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kiến nghị phát triển giao thông, đường cao tốc nếu nằm trong quy hoạch, cần đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm tới.

Tổng Thư ký Quốc hội sẽ thông báo ý kiến tới các cơ quan thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới chú ý về kiến nghị tuyến đường kết nối Hà Tiên-An Giang xem xét bởi đây là trục giao thông kết nối cho vùng có biên giới để có thể khai thác lợi thế, tiềm năng tốt hơn.

Về cảng biển nước sâu, giao thông đường biển, để khai thác tuyến đường biển phía Tây qua phía Đông, địa phương chú ý đặt trong quy hoạch chung có đường ven biển của Đồng bằng song Cửu Long đi qua Hà Tiên.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cho biết sẽ thông báo Bộ Y tế về kiến nghị cung cấp vắc xin cho tuyến đầu chống dịch, cũng như chủ trương xây dựng bệnh viện dã chiến để sớm xem xét và trả lời kiến nghị.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội biểu dương Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ, y bác sĩ tại Hà Tiên đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong phòng chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đến kiểm tra chốt kiểm soát biên phòng khu vực biên giới dịp này cho thấy khu vực biên giới rất cần được đầu tư thêm cơ sở vật chất...

Về công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Hà Tiên làm rất tốt; đồng thời cho rằng, là khu vực biên giới, Hà Tiên cần có phương án dự phòng khi tình hình dịch bệnh phức tạp xảy ra để đảm bảo công tác bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo thành phố Hà Tiên, đồng thời khẳng định sẽ có trách nhiệm chuyển giao cho đại biểu Quốc hội khóa mới tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, thể hiện trách nhiệm với nhân dân vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang ảnh 4Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các lực lượng biên phòng trên tuyến biên giới Hà Tiên. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng cùng ngày 19/3, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19; thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 khu vực biên giới.

Ngày 18/3, tại tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới huyện Hòn Đất, dâng hoa, dâng hương viếng mộ nữ Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm văn học "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức; tham quan Đài tưởng niệm, tri ân các Anh hùng, liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử-Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn, nơi ghi dấu nhiều chiến tích của quân và dân xứ Ba Hòn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ./.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử Kiên Giang ảnh 5Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện Hòn Đất. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục