Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, sáng 13/12 (giờ địa phương), tại trụ sở Chính phủ Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Belarus Sergey Nikolayevich Rumas.
Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Belarus.
Thủ tướng đánh giá các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa hai nước thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc để hai bên tăng cường quan hệ hợp tác.
Nhấn mạnh Việt Nam là bạn, đối tác chiến lược của Belarus trong khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas vui mừng trước những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; cho rằng các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hoàn toàn phù hợp và tương đồng với chiến lược phát triển của Belarus như cải tiến công nghệ, phát triển công nghệ cao...
[Việt Nam-Belarus: Tăng cường quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt]
Thủ tướng Belarus cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ các ý tưởng của Belarus trên trường quốc tế và tại Liên hợp quốc, đồng thời nêu rõ hai nước có cùng quan điểm về các vấn đề trên trường quốc tế.
Nhấn mạnh hiện nay kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas cho rằng hai bên cần tìm ra những phương hướng hợp tác mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại.
Belarus nhận thấy cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa chiến lược của Việt Nam như thời gian qua, cụ thể là tiếp tục nhập khẩu cao su, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Thủ tướng Belarus bày tỏ hy vọng phía Việt Nam sớm giải quyết các vấn đề và cấp phép để Belarus có thể xuất khẩu các sản phẩm từ thịt, sữa và nông sản của mình vào Việt Nam.
Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác sản xuất ôtô đã có. Phía Belarus có kinh nghiệm và kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất ôtô. Belarus sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam xe tải, máy kéo, xe tải lớn, xe buýt; sẵn sàng tài trợ tài chính cho các liên doanh giữa hai nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ôtô.
Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas nhấn mạnh tháng 10/2016, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này tạo ra những cơ hội mới cho quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Belarus. Việt Nam là cầu nối để mở rộng hợp tác ra các thị trường khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ song phương Belarus-Việt Nam đang chuyển từ hợp tác kinh tế thương mại đơn thuần sang các liên doanh hợp tác sản xuất tại Việt Nam.
Tháng 9/2019, Belarus đã khánh thành Nhà máy Liên doanh sản xuất xe ôtô tải tại Việt Nam.
Cho biết Chính phủ Belarus hiện nay tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của liên doanh này, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas mong muốn Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này.
Thủ tướng Belarus Sergey Nikolayevich Rumas nhấn mạnh Belarus sẵn sàng xuất khẩu phân bón kali với số lượng lớn cho Việt Nam.
Một hướng hợp tác khác cũng rất có tiềm năng là hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Belarus có khả năng và có thể xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, máy móc, thiết bị, dược phẩm; đồng thời sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo các nhà khoa học chuyên sâu về các ngành máy móc, kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ nano.
Thủ tướng Belarus Sergey Nikolayevich Rumas cho rằng, lãnh đạo hai nước cần tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy quan hệ hợp tác để hai nước tiếp tục gặt hái được những kết quả lớn hơn vì lợi ích và mong muốn của nhân dân Belarus và Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas tại thủ đô Minsk. Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Belarus đã giành được trong thời gian qua, góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Belarus ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Belarus được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ thời Liên bang Xô Viết trước đây; cảm ơn sự ủng hộ to lớn và quý báu của nhân dân Belarus dành cho Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, hợp tác kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Belarus, Ngài Igor Lyashenko tháng 9/2019 vừa qua. Hai bên đã thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển hơn nữa, trước hết là phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên cần thúc đẩy phổ biến thông tin về các ưu đãi của hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng trước việc Liên doanh Sản xuất ô tô đầu tiên Maz Asia được khánh thành tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 26/9/2019; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của liên doanh Maz Asia và mong muốn hai bên tiếp tục có thêm những dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Việt Nam hàng hóa nông sản dồi dào, phong phú tại nhiều vùng miền và trong suốt 12 tháng trong năm. Do đó, hai bên có thể thiết lập hợp tác liên doanh sản xuất trong các lĩnh vực có tiềm năng và nhu cầu hợp tác như: chế biến nông sản, chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất lắp ráp ôtô... Từ đó sẽ rất tốt cho thúc đẩy kinh tế thương mại đầu tư hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong sản phẩm lắp ráp ôtô Maz sẽ ngày càng đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân và tiến tới chiếm lĩnh thị trường gần 600 triệu dân của ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên thúc đẩy triển khai dự án Nhà máy sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm tại tỉnh Hưng Yên với số vốn 15 triệu USD tập trung sản xuất các sản phẩm sữa cho thị trường Việt Nam.
Cho biết Việt Nam sản xuất càphê, trà nhưng chế biến để hợp khẩu vị người dân Belarus thì cần có những liên doanh sản xuất để đưa những sản phẩm này vào thị trường Belarus.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp của Belarus đầu tư vào Việt Nam và sẵn sàng tại điều kiện cho các doanh nghiệp Belarus hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài.
Đối với đề nghị gần đây của Belarus về việc thay đổi thời gian đạt tỷ lệ nội địa hóa và chuyển hạn ngạch của bộ linh kiện của năm 2019 sang năm 2020, phía Việt Nam đang trong quá trình tham vấn nội bộ và sẽ sớm thông báo cho phía Belarus.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn có mức tăng trưởng khiêm tốn, chỉ đạt 92,2 triệu USD vào năm 2018.
Hai bên cần tích cực và đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD vào những năm tới.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất một số định hướng lớn.
Cụ thể, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ cở pháp lý để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư song phương; triển khai đồng bộ và hiệu quả các hiệp định đã ký kết và tìm ra các lĩnh vực hợp tác triển vọng mới.
Hai bên đẩy mạnh việc triển khai kết quả các khóa họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus và Chương trình Hợp tác về lĩnh vực kinh tế giữa hai nước. Cùng với đó là tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên.
Đánh giá cao hai bên đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Belarus (tháng 5/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong Belarus tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh truyền thống như các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản... sang thị trường Belarus; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các liên doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông tại Belarus, chế biến nông sản tại Belarus...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các doanh nghiệp Belarus khi hợp tác với Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho Việt Nam, tăng cường việc trao đổi thông tin với đối tác Việt Nam.
Cảm ơn Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh hiện nay có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus; đề nghị hai Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Belarus nghiên cứu ký hiệp định hợp tác mới thay cho hiệp định đã ký cách đây 8 năm (năm 2011) cho phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, giao lưu văn hóa thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, triển khai hiệu quả Lộ trình Hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Belarus; đồng thời hoan nghênh các địa phương hai nước tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ và tìm kiếm hình thức hợp tác hiệu quả, phù hợp với thế mạnh của mình, đóng góp tích cực vào phát triển hợp tác chung giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện nay, lượng khách du lịCộng hòa Belarus đến Việt Nam đang tăng nhanh từ sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus.
Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân Belarus bằng việc đưa Belarus vào danh sách 40 nước được Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử từ ngày 1/2/2017.
Về phần mình, Việt Nam cũng mong muốn phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có việc xem xét điều chỉnh phù hợp các điều kiện đối với công dân Việt Nam để được hưởng chế độ miễn thị thực mới được Belarus áp dụng.
Chia sẻ sự xúc động khi thăm Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại thủ đô Minsk vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nhân dân Belarus rất anh hùng, vĩ đại trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân Belarus rất tương đồng với Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam và Belarus đều đã trải qua chiến tranh tàn khốc nên rất yêu chuộng hòa bình và mong muốn đóng góp để duy trì hòa bình, ổn định của đất nước, cũng như của khu vực và trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas và Chính phủ Belarus tiếp tục quan tâm, ủng hộ lập trường quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Thủ tướng Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Belarus ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội sở tại.
Cộng đồng người Việt Nam tại Belarus đã và sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
Thủ tướng Belarus Sergey Nikolayevich Rumas đồng ý với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhân dân hai nước đều đã phải trải qua chiến tranh khốc liệt và từ trong chiến tranh đã tạo nên tính cách kiên cường của người dân hai nước.
Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas đánh giá, cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay trong tăng cường quan hệ kinh tế thương mại song phương là rất đúng và hai nước cần làm nhiều việc để thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD.
Về những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Sergey Nikolayevich Rumas cho rằng những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể cung cấp cho Belarus là những sản phẩm Belarus không trồng được như chè, càphê, một số loại hoa quả. Do đó Belarus mong muốn thiết lập một kênh xuất nhập khẩu hai nước.
Về phần mình, Belarus khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Belarus có thể đến Việt Nam đầu tư, thành lập các liên doanh sản xuất các sản phẩm nông sản.
Hiện nay giữa hai nước có Liên doanh Lắp ráp, sản xuất ôtô Maz Asia. Belarus kỳ vọng lớn đối với liên doanh này, đó là sản xuất ô tô không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn là toàn bộ thị trường Đông Nam Á...
Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Belarus và các đại biểu hai nước đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến việc Belarus chuẩn bị thành lập liên doanh sản xuất sữa và một số sản phẩm sữa tại Việt Nam; về tạo điều kiện thuận lợi trong cấp visa cho công dân hai nước; cấp học bổng học tiếng Nga một năm đầu cho sinh viên Việt Nam; Belarus muốn tăng cường hợp tác với các trường đại học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, đề xuất hướng tới việc xem xét mở đường bay thẳng hai nước hoặc quá cảnh tại Belarus nhằm tăng lượng khách du lịch hai bên...
Trước đó sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm “Minsk - Thành phố Anh hùng;” thăm Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại thủ đô Minsk.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã viết sổ lưu niệm: “Tôi rất xúc động được đến thăm Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nơi tưởng nhớ chiến công anh dũng và lòng quả cảm của các chiến sỹ và người dân Belarus bảo vệ thành phố anh hùng Minsk và Tổ quốc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Vinh quang thuộc về những người đã chiến đấu quên mình, quyết tử để ngăn bước quân thù và mang lại hòa bình không chỉ cho Belarus mà còn cho cả nhân loại.”
Trưa cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đã tới thăm Công ty ADANI, một trong những công ty hàng đầu của Belarus về sản xuất thiết bị soi chiếu y tế, an ninh công nghệ cao.../.