Chùa Quỳnh Lôi - Di tích lịch sử gắn liền với Thủ đô nghìn năm

Chùa Quỳnh Lôi khởi dựng từ thời Trần (1226-1400), có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình; hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời.
Chùa Quỳnh Lôi - Di tích lịch sử gắn liền với Thủ đô nghìn năm ảnh 1Chùa Quỳnh Lôi. (Nguồn: Vietnam+)

Chùa Quỳnh Lôi (Long Khánh tự) nằm trên địa bàn phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chùa Quỳnh Lôi là một di tích có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp hữu tình; hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị văn hóa lâu đời và là di tích quan trọng, một danh lam cổ tích của Thủ đô Hà Nội.

Chùa Quỳnh Lôi khởi dựng từ thời Trần (1226-1400) và được trùng tu lớn vào năm 1604. Chùa có tên tự là Long Khánh Tự (tức chùa Long Khánh). Thời Trần, Quỳnh Lôi thuộc lộ Sơn Nam. Đầu thời Lê thuộc xã Quỳnh Lôi, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng. Sau đó, chùa Quỳnh Lôi thuộc trại Quỳnh Lôi, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên rồi phủ Hoài Đức-Hà Nội… 

Vẻ đẹp của chùa được miêu tả trên tấm văn bia như sau: “Xã Quỳnh Lôi - huyện Thanh Trì có chùa Long Khánh ở phía nam thành Thăng Long, đường cái quan ngàn dặm phía trước, cánh đồng vạn khoảnh đằng sau, đôi bên tả hữu dân cư đông đúc, từ xưa đến nay đẹp như cảnh tiên, đúng là một ngôi chùa nổi tiếng trong vùng...”. Với vẻ đẹp ấy, cuối thế kỷ 19, người Pháp đã in hình ảnh chùa trên các bưu thiếp để giới thiệu với thế giới.

Chùa Quỳnh Lôi là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn bảo tồn được nét kiến trúc đặc trưng thời Lê và những dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ 19. Tổng thể chùa có các hạng mục kiến trúc gồm tam quan, sân, chùa chính, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, vườn tháp...

Tam quan đồng thời là gác chuông khá bề thế, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, gồm 2 tầng 8 mái, 8 góc đao cong. Qua khoảng sân rộng là chùa chính có kiến trúc hình chữ “đinh," gồm tiền đường và hậu cung.

[Chùa Hà - ngôi chùa cầu duyên linh nghiệm nhất miền Bắc]

Chùa chính dựng theo hướng Tây Nam gồm Tiền đường và Hậu cung tạo thành kiến trúc hình chữ Đinh. Tiền đường là nếp nhà 5 gian dọc, kết cấu chồng rường. Vào trong Tiền đường có bệ thờ các tượng Đức Ông, Thánh Hiền cùng 2 tượng Hộ Pháp cỡ lớn.

Tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác ngồi trên mãnh sư, dũng mãnh trong trang phục võ tướng, mình mặc áo giáp trụ… Đây là 2 pho tượng lớn duy nhất còn lại trong chùa sau lần thực dân Pháp đốt chùa năm 1909. Tượng có niên đại tạo tác thế kỷ 18 (Các tượng nhỏ của chùa khi thực dân Pháp tới đốt phá đã được chuyển vào tháp 7 tầng để ở mé phải chùa).

Chùa Quỳnh Lôi - Di tích lịch sử gắn liền với Thủ đô nghìn năm ảnh 2(Nguồn: Vietnam+)

Hậu cung là một cốn lớn kín toàn gian. Cốn chính Hậu cung tạc mặt hổ phù lớn, hai bên là 2 rồng vần vũ mang ước vọng cầu nguồn nước của cư dân nông nghiệp.

Trong Hậu cung, trên các bệ xây là hệ thống các tượng Phật. Tượng ở chùa này có khá đầy đủ và được bài trí theo nguyên tắc một ngôi chùa Việt cổ. Trên Phật điện, đáng lưu ý nhất là các bộ tượng: Tam Thế, A Di Đà Tam tôn. Ba vị Tam Thế tọa lạc ở vị trí cao, trang trọng nhất của Phật điện. Tượng ngồi kiết già hàng ma lộ bàn chân phải trên đài sen, tay kết ấn thiền định. Bộ A Di Đà Tam tôn với A Di Đà được tạc lớn nhất trên Tam bảo. Tượng ngồi trên đài sen cao chừng 2m. Hai bên tượng là Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.

Cũng ở hậu cung, đáng lưu tâm còn có tượng Hậu. Đây là pho tượng tạo dáng ông bà Trịnh Tạc, con của Ngạn quận công Trịnh Đỗ, người có công lớn trong trùng tu ngôi chùa vào năm 1606.

Một trong những đồ thờ tiêu biểu nhất là chiếc nhang án tại nhà Mẫu. Nhang án có kích thước 154x78x96cm được chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng những hoa lá, hổ phù, lá hóa rồng, những cánh hoa sen, lá đề, vân mây, lá hóa phượng. Đây là 1 nhang án đẹp, mang dáng nghệ thuật ở thời Lê. Trong chùa, hệ thống hoành phi, câu đối còn rất nhiều. Đây là nguồn sử liệu quý đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc.

Chùa Quỳnh Lôi đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1995 và được thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến năm 2014./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục