Chuyên gia cảnh báo: Đừng đánh giá thấp 'cơ sở hạ tầng mềm'

Ngoài cơ sở hạ tầng cứng như cầu, đường, cơ sở hạ tầng mềm là yếu tố quan trọng không kém để các nước tăng cường kết nối.
Chuyên gia cảnh báo: Đừng đánh giá thấp 'cơ sở hạ tầng mềm' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại sao các nước trong khi phải bỏ hàng trăm triệu USD xây một tuyến đường cao tốc để tiết kiệm 1-2 ngày đường tới biên giới trong khi hàng tới cửa khẩu có thể vẫn phải “ngồi đợi.”

Vấn đề ở đây là ngoài “cơ sở hạ tầng cứng” như cầu, đường, thì cơ sở hạ tầng mềm là yếu tố quan trọng không kém để các nước tăng cường kết nối.

Đây là vấn đề đã nhận được nhiều sự đồng tình trong phiên họp Phát triển và tài chính cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra chiều 30/3 tại Hà Nội.

“Cần cơ chế một cửa giữa các nước”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể mở đầu phiên họp với quan điểm, những nước giàu có tiềm lực tài chính để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Từ đó, những nước này có điều kiện để giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh nền kinh tế.

[GMS 6: Việt Nam đề xuất bỏ phí roaming, cùng xử lý vấn đề an ninh mạng]

Với những nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, theo Bộ trưởng, do tiềm lực, quy mô kinh tế thấp, không đủ tài chính để hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Với các nền kinh tế trong GMS, Bộ trưởng thừa nhận, ngoài Trung Quốc và Thái Lan, những nước còn lại có hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa hiện đại. Điều này khiến hàng hóa sản xuất tại các nước trên có chi phí vận tải và nhiều loại chi phí khác tăng cao. Hàng hóa sản xuất ra kém sức cạnh tranh với nước ngoài.

Riêng về Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, hệ thống giao thông Việt Nam hiện cần phải phấn đấu nhiều. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư tới Việt Nam cùng tham gia các dự án theo hình thưc đối tác công tư (PPP).

Đáp lại những phát biểu này, bà Supee Teravaninthorn, Vụ trưởng Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư 1, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) khẳng định, phía AIIB sẵn sàng đầu tư vào công trình ở các nước.

Bà khẳng định, giao thông là nhu cầu ngày càng lớn giữa các quốc gia. Bà lấy ví dụ về khu vực biên giới Việt Nam, Trung Quốc hay Lào, hoạt động giao thông tại những khu vực này theo bà đang rất năng động.

Tuy nhiên, sự kết nối giữa các nước theo bà hoàn toàn có thể tốt hơn hiện tại nếu những mục tiêu đề ra trong GMS được thực hiện. Bà so sánh hành lang kết nối GMS trong chiến lược đề ra năm 2006 và sau đó 10 năm, năm 2016.

“Những gì ta đề ra năm 2006 thì tới năm 2016 mới thực hiện được gần một nửa,” bà nói. Từ đó, theo bà, việc tạo ra hành lang kinh tế GMS cần sự nỗ lực hơn của tất cả các quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có vậy. Đại diện AIIB chỉ ra sự cần thiết trong đồng bộ cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Bà khẳng định: “Đừng đánh giá thấp kết nối mềm.”

“Tôi thấy ta có quá nhiều tuyến đường cao tốc. Ta vui vì đầu hàng trăm triệu USD xây đường cao tốc nhằm tiết kiệm 1-2 ngày đường nhưng nếu thời gian này, hàng hóa ngồi đợi ở cửa khẩu thì hàng trăm triệu USD ta đầu tư làm gì,” vị đại diện AIIB đặt ra câu hỏi.

Theo bà, cần có cơ chế một cửa giữa các nước GMS. “Tại sao ta phải dừng lại ở khu vực cửa khẩu 2 lần, ta vừa đi qua sống ở nước này, vì sao lại phải dừng lại ở nước khác. Ta phải nghĩ làm sao cho hiệu quả,” bà nói.

Tăng cường kết nối số

Cũng nói về cơ sở hạ tầng mềm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng, để tạo điều kiện trung chuyển hàng hóa giữa nhiều quốc gia, các nước phải có hệ thống hải quan hiệu quả và thống nhất.

Vấn đề quan trọng khác theo ông là thúc đẩy phát triển nhân lực để duy trì các hệ thống trên. Ông bày tỏ sự tin tưởng, nếu các nước tạo ra sự kết nối như vậy, đó sẽ là vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển các nước khu vực sông Mekong.

Còn với bà Supee Teravaninthorn, Vụ trưởng Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư 1, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), bà nêu thêm hình thức khác là kết nối số.

Bà lấy ví dụ về một tuyến đường đi thẳng từ nước này nước khác. Với sự giúp sức của công nghệ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dùng thiết bị điện tử để biết lộ trình, khoản phí phải trả của từng phương tiện.

Cũng liên quan tới cơ sở hạ tầng, bà Supee Teravaninthorn cũng lưu ý về vấn đề năng lượng. Theo bà, nguồn cầu về điện năng đang tăng nhanh nhất là trong điều kiện các nước GMS đều đang trong quá trình công nghiệp hóa. Đây là quá trình không thể thực hiện nếu các quốc gia gặp phải vấn đề về điện năng.

Bởi thế, bà cảnh báo, nguồn cung điện là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng trong đó cần chú ý tới khâu truyền tải điện. “Một nước có nhiều điện nhưng không có đường dây điện cũng chỉ ở lại đó,” vị này đánh giá./.

Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục