Theo tác giả bài viết, để cải thiện hiệu quả kinh tế của Canada, chính phủ phải cân nhắc việc hướng tới mục tiêu cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng cách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn.
Chính sách cạnh tranh đã được đưa lên hàng ưu tiên trong thời gian gần đây khi các nhà hoạch định chính sách ở Canada nỗ lực giải quyết những thách thức về năng suất đang diễn ra ở nước này.
Các hạn chế về mặt luật pháp đối với cạnh tranh, đặc biệt là hạn chế sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực hàng không và viễn thông, đã làm giảm áp lực thị trường đối với các công ty đóng tại Canada trong việc tìm kiếm lợi thế cạnh tranh về chất lượng mạng lưới hoặc giá cả.
Mặc dù bất kỳ cải cách nào có lợi cho cạnh tranh đều cần tính đến các khía cạnh về an ninh quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với các nước như Trung Quốc, nhưng vẫn có những giới hạn mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp quốc tế với danh nghĩa tăng cường cạnh tranh.
Canada đã làm tốt việc thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp, nhưng phần lớn lại đổ vào lĩnh vực sản xuất, chứ không phải là dịch vụ.
Hiện nay, Canada đang thực hiện các quy định chặt chẽ về hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài trong ngành viễn thông.
Theo Đạo luật Viễn thông, bất kỳ thực thể viễn thông nào có hơn 10% thị phần cần phải có ít nhất 80% thuộc sở hữu của Canada đối với cả đại diện hội đồng quản trị và cổ phần biểu quyết.
Những hạn chế này ngăn cản các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các công ty lớn của Mỹ như AT&T và Verizon tham gia vào thị trường Canada.
Tương tự như vậy, Đạo luật Giao thông Canada cũng áp đặt các hạn chế đáng kể đối với hãng hàng không nước ngoài, ngăn cản họ khai thác các tuyến bay nội địa, làm hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và dẫn đến giá cao hơn.
Canada có chi phí đi lại bằng máy bay và cước viễn thông internet tương đối cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác và được xếp hạng là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới.
Để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lớn hơn, các nhà hoạch định chính sách cần mở cửa ngành hàng không và viễn thông cho cạnh tranh nước ngoài. Điều này có thể được thực hiện một cách đa phương thông qua việc mở rộng các cam kết của Canada theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngoài ra, Canada có thể mở cửa các ngành này cho các đối tác thương mại được lựa chọn thông qua các hiệp ước song phương như Hiệp định Canada - Mỹ- Mexico (CUSMA) hoặc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 12 quốc gia.
Việc mở cửa hoàn toàn thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh thực sự trong các ngành công nghiệp này và đổi lại sẽ khuyến khích đầu tư, đổi mới và cạnh tranh về giá.
Đạo luật Đầu tư Canada mới được hiện đại hóa gần đây đã bao hàm các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia mạnh mẽ, gồm các yêu cầu tiết lộ thông tin được tăng cường và chia sẻ thông tin với các đối tác quốc tế.
Chính phủ gần đây đã ban hành các cải cách đối với Đạo luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc mở rộng trên toàn bộ nền kinh tế không giải quyết được những hạn chế theo ngành bắt nguồn từ các quy định lỗi thời.
Nếu không giải quyết được những rào cản cụ thể theo ngành, có khả năng sẽ không mang lại kết quả mong muốn là giá thấp hơn và đổi mới sáng tạo hơn.
Để cải thiện hiệu suất kinh tế và giải quyết các vấn đề năng suất về lâu dài, Canada phải cân nhắc con đường hướng tới cạnh tranh lớn hơn thông qua khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn.
Điều này liên quan đến việc giảm các rào cản pháp lý ngăn cản công ty nước ngoài tham gia vào thị trường viễn thông và hàng không.
Tập trung vào việc mở cửa các lĩnh vực này cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đáng tin cậy có thể dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn, chất lượng dịch vụ được cải thiện và cải thiện khả năng đổi mới. Tất cả điều này đều quan trọng đối với sự thịnh vượng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada./.
Kinh tế Canada nhiều khả năng sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay
Sự khác biệt trong chính sách của Ngân hàng trung ương giữa Canada và Mỹ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh kinh tế.