Chuyên gia Mỹ phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam

Tiến sỹ David Dapice cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai dự kiến sẽ dựa vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao, nhất là ngành dịch vụ hay sản xuất với lao động có tay nghề cao.
Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trang mạng East Asia Forum mới đây đăng bài phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam của tiến sỹ David Dapice, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Quản trị Dân chủ và Đổi mới Ash (Ash Center for Democratic Governance and Innovation) thuộc Trường quản lý công John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Theo tác giả bài viết, nền kinh tế Việt Nam đã được hưởng lợi sau khi nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng lên, lực lượng lao động trong nước thu hẹp và căng thẳng thương mại.

Với 1,5 tỷ USD vốn đầu tư rót vào Việt Nam mỗi tháng, công ăn việc làm tăng lên, nghèo đói giảm dần và tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 7%. Điều này có thể thúc đẩy tiến trình cải cách hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu và khu vực tư nhân trong nước còn yếu.

[Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành]

Bất chấp định hướng cải cách của chính phủ, tiến trình này vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh vấn nạn tham nhũng, một thách thức lớn khác đối với tiến trình cải cách là cơ chế phân phối nguồn thu từ thuế trong nền kinh tế chính trị hiện nay.

Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh chuyển 82% nguồn thu từ thuế của địa phương này cho chính phủ, điều này giúp chính phủ phân bổ ngân sách để các tỉnh nghèo có thể chi tiêu nhiều hơn.

Trên thực tế, hầu hết lao động trẻ tại các tỉnh này đang tìm kiếm cơ hội việc làm ở những khu vực khác phát triển mạnh hơn và có nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cao hơn.

Mặc dù sự “san sẻ” nguồn ngân sách cho các địa phương là cần thiết, song cơ chế lấy của nơi giầu để chia cho nơi nghèo này không thực sự là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai dự kiến sẽ dựa vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao, nhất là ngành dịch vụ hay sản xuất với lao động có tay nghề cao. Những ngành này phụ thuộc vào dòng dịch chuyển lao động quốc tế.

Nếu các thành phố ở Việt Nam bị ô nhiễm, tắc nghẽn và lụt lội, chúng sẽ khó có thể thu hút hoặc giữ chân người lao động.

Trong khi đó, các thành phố đóng góp khoảng 4/5 mức tăng trưởng kinh tế của cả nước và hầu hết tăng trưởng dân số ở Việt Nam.

Nếu các khu vực này thiếu vốn và các nguồn vốn khả dụng không được chi tiêu hợp lý, khu vực tư nhân sẽ không tăng trưởng và vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm dần khi tiền lương của nhân công tăng lên.

Mặt khác, một khó khăn đối với tiến trình cải cách là vai trò chưa đủ mạnh của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong nền kinh tế quốc gia.

Tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân (không bao gồm kinh tế hộ gia đình) trong GDP chưa đến 9% trong năm 2017, so với 20% của khu vực FDI và 29% của khu vực nhà nước.

Các công ty tư nhân nhỏ sẽ được hưởng lợi từ các cải cách trong việc tiếp cận đất đai, tín dụng và một hệ thống pháp lý công bằng hơn.

Môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế được khảo sát, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nhưng Việt Nam vẫn nằm ở nửa cuối danh sách trong các hạng mục như thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, giao dịch qua biên giới hoặc giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán.

Trừ khi khu vực tư nhân có được không gian pháp lý để trình bày mối quan ngại của họ (lên chính phủ) một cách hiệu quả hơn, các cải cách sẽ không giải quyết những vấn đề trên.

Còn nhiều vấn đề trong nền kinh tế Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nếu (hoặc khi) dòng vốn FDI chậm lại, sự thiếu hiệu quả và sự yếu kém của khu vực tư nhân sẽ đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Các cuộc thảo luận về những gì cần thay đổi vẫn đang diễn ra và kết quả của chúng vẫn chưa rõ ràng.

Tác giả bài viết đề xuất Việt Nam có thể tập trung nhiều nguồn lực vào người dân và ít hơn vào các tỉnh còn đang tăng trưởng chậm, đồng thời tạo điều kiện để hỗ trợ sự phát triển của các công ty tư nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục