Chuyện những người thầm lặng chăm sóc sức khỏe nơi thôn bản

Không làm việc trong các bệnh viện cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng những nhân viên y tế thôn bản vẫn cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ.
Chuyện những người thầm lặng chăm sóc sức khỏe nơi thôn bản ảnh 1 tế thôn bản kiểm tra tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Không làm việc trong các bệnh viện cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ. Họ chính là những nhân viên y tế thôn bản. Đối với họ, việc trở thành nhân viên y tế thôn bản phục vụ người dân không còn trách nhiệm mà chính là tình nghĩa xóm làng…

Từ nhiều năm nay, người dân thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã quen với hình ảnh nhân viên y tế thôn đến từng nhà để cân trẻ, chăm sóc sức khỏe người già; vận động sinh đẻ có kế hoạch, tiêm chủng, khám thai định kỳ; kiểm tra tình hình vệ sinh, dịch bệnh; tổ chức các buổi truyền thông...

Ở vùng miền núi còn gặp nhiều khó khăn như huyện Đồng Xuân, chính những công việc như vậy của y tế thôn bản là kênh thông tin hữu ích để người dân tham khảo.

Mới sinh con lần đầu, chị Lê Thị Ngọc Bích, thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam , huyện Đồng Xuân sẽ chẳng hiểu hết được vai trò của tiêm chủng mở rộng nếu như không có sự tư vấn của y tế thôn bản.

Chị Bích tâm sự: “Em cũng nghe thoáng thoáng về việc tiêm phòng cho trẻ mới sinh nhưng cụ thể thế nào thì chưa biết. Sau khi biết em mới sinh được đưa về nhà ngoại chăm thì chị Lê Thị Loan nhân viên y tế thôn đã đến tận nhà phát sổ và nói rõ lợi ích của việc tiêm phòng. Tháng nào có lịch tiêm, chị đều đến nhắc gia đình đưa con đến trạm y tế xã để tiêm phòng…”

Ngót nghét 20 năm gắn bó trong vai trò là y tế thôn bản với chị Lê Thị Loan những công việc như vậy đã trở nên quen thuộc.

Chị tâm sự: “Bà con bầu mình làm nhân viên y tế thôn bản. Mình sẽ tận tụy với công việc để không phụ lòng tin của họ… Làm công việc này không chỉ là phục vụ người dân mà còn là tình nghĩa. Bởi xung quanh toàn là người làng, người thân cả…”

Nói về vai trò của y tế thôn bản, bác sỹ Đỗ Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân cho biết, trong những năm qua đội ngũ y tế thôn bản đã thực hiện đúng 9 chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Bộ Y tế.

Đội ngũ này chính là cánh tay nối dài để ngành y tế thực hiện công tác truyền thông, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngay tại cộng đồng. Sự tận tâm của y tế thôn bản đã giúp cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như phòng chống sốt rét; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em;… trên địa bàn huyện được thực hiện có hiệu quả.

Để có được những đóng góp như vậy, những nhân viên y tế thôn bản không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” theo kiểu truyền thống mà họ còn luôn tìm hướng đổi mới phương pháp truyền thông.

Chị Trần Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh Phú Yên cho biết: “Thực tế, phần đông người dân hiện đã cảm thấy nhàm trước cách tuyên truyền lạc hậu, chỉ đơn thuần là hô hào và phát tờ rơi. Vậy nên chúng tôi đã thành lập những đội truyền thông lưu động dưới các hình thức kịch lồng ghép dân ca hòa vè, kịch múa rối… Trong năm 2014, chúng tôi đã thực hiện được 52 buổi truyền thông theo phương pháp mới. Tại các điểm tổ chức, nhân dân rất ủng hộ. Phương pháp này còn tạo sự đoàn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhân viên y tế thôn bản.”

Với chị Trần Thị Thoa, nhân viên y tế thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa để hoàn thành nhiệm vụ, giờ đây không những phải tinh thông nghiệp vụ mà còn phải đóng vai là một diễn viên.

Chị bộc bạch: “Sau khi có nội dung tuyên truyền, chị em ngồi lại dàn dựng các tiết mục. Để có một đêm truyền thông thành công, chúng tôi phải mất rất nhiều ngày tập luyện, làm đạo cụ... Vui nhất là khi biểu diễn được người dân hào hứng theo dõi và sau đó là thay đổi nhận thức, hành vi…”

Cống hiến, sáng tạo và thời gian dành cho công việc cũng không phải là ít, thế nhưng thu nhập của nhân viên y tế thôn bản rất thấp. Ở vùng bãi ngang và miền núi, mức lương của họ là 525.000 đồng/người/tháng, còn ở đồng bằng chỉ 315.000 đồng/người/tháng. Số tiền ấy gần như chỉ đủ để đổ xăng xe đi lại trong các đợt truyền thông. Đáng suy nghĩ hơn là những nhân viên y tế thôn bản lại không được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Phó Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh Phú Yên, Trần Thị Kim Thoa giải bày: “Toàn tỉnh hiện có 624 nhân viên y tế thôn bản. Hầu hết các nhân viên đều chưa được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Có nhiều trường hợp khi tham gia dập dịch như sốt xuất huyết, sốt rét… không may mắc bệnh cũng không được hỗ trợ điều trị. Những nhân viên y tế thôn bản như chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ địa phương cũng như ngành y tế để yên tâm gắn bó lâu dài với nghề…”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục