Cổ đông BIDV thông qua phương án sáp nhập ngân hàng MHB

Các cổ đông của BIDV đã biểu quyết thông qua phương án sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long vào ngân hàng này.
Cổ đông BIDV thông qua phương án sáp nhập ngân hàng MHB ảnh 1Giao dịch tại BIDV. (Nguồn: BIDV)

Tại Đại hội cổ đồng cổ đông được tổ chức ngày 17/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã biểu quyết thông qua phương án sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long vào ngân hàng này.

Hội đồng Quản trị BIDV đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch sáp nhập MHB vào BIDV. Đây là một trong những bước đi của lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại hội cũng nhất trí với nguyên tắc giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1. Việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập.

Theo lãnh đạo BIDV, việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, nền khách hàng mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của BIDV trở thành định chế tài chính Việt Nam vững mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới.

Lãnh đạo BIDV cũng cho biết, dự kiến thời điểm hoàn tất việc sáp nhập của MHB vào BIDV khoảng cuối tháng 5/2015.

Được thành lập năm 1997, sau 17 năm hoạt động, tổng tài sản của MHB tăng hơn 110 lần so với ngày đầu thành lập; chất lượng tài sản được đảm bảo, nằm trong top 10 ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam (gồm 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh/thành phố trong cả nước, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), dư nợ tín dụng dành cho khu vực này chiếm 50% dư nợ toàn hệ thống.

Đại hội cũng đã thông qua phương án thành lập Công ty Tài chính Tiêu dùng BIDV nhằm gia tăng thị phần bán lẻ, phục vụ toàn diện các nhóm khách hàng, đa dạng hóa kinh doanh nhờ đó nâng cao thu nhập của ngân hàng. Về phương diện rủi ro, việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng cũng nhằm tách phân khúc khách hàng theo rủi ro, trong đó phân khúc tín dụng với mức độ rủi ro cao sẽ được tách bạch với hoạt động Ngân hàng thương  mại để quản trị rủi ro tốt hơn.

Ngoài ra, Đại hội đã miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị của ông Hoàng Huy Hà kể từ ngày 01/06; bầu ông Ngô Văn Dũng thay thế, hiện ông Dũng đang là Giám đốc Chi nhánh BIDV Hà Nội.

Miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của ông Nguyễn Văn Hà và bầu ông Tô Ngọc Hưng thay thế (ông Hưng từng là Giám đốc Học viện Ngân hàng). Bầu bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước, vào thành viên Hội đồng quản trị.

Phía MHB sẽ có 4 người được bầu vào Hội đồng quản trị gồm ông Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Nguyễn Văn Lộc và ông Đặng Xuân Sinh.

Trong đó, ông Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB, ông Hòa là Tổng Giám đốc MHB kể từ tháng 8/2012 đến nay.

Năm 2015, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng 16,5% về huy động vốn; dư nợ tín dụng tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5% và chi trả cổ tức 9%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục