Có phải quyền lực mềm của Trung Quốc đang dần bị xói mòn?

Việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở Biển Đông với các bên yêu sách ASEAN có thể làm đảo lộn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.
Bản khắc mộc bản Triều Nguyễn về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Bản khắc mộc bản Triều Nguyễn về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, quyền lực mềm là khả năng sử dụng ảnh hưởng kinh tế hoặc văn hóa để định hình sở thích của người khác.

Trong cuộc tranh giành thống trị quyền lực mềm ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã áp đảo Mỹ.

Tuy nhiên, hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông không những làm xói mòn thành quả của Trung Quốc mà còn làm lợi cho đối thủ của họ, chẳng hạn như những nhân vật diều hâu phản đối Trung Quốc và phương tiện truyền thông ở Mỹ và khu vực.

Bắc Kinh lâu nay thường đe dọa các quốc gia và các công ty dầu khí quốc tế không được hoạt động ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Việc tàu hải dương địa chất và tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục xâm nhập để tiến hành khảo sát địa chấn ở những lô dầu mà công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ và một công ty của Nga thuê gần Bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được cho là phản ánh yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.

Thật vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Tàu Hải Dương Địa Chất 8 “đang hoạt động trong vùng biển theo quyền tài phán của Trung Quốc.”

Tuy nhiên tuyên bố đó đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ trong vụ kiện của Philippines - một quốc gia đang phát triển và rất yếu về quân sự quốc phòng - chống lại Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tòa trọng tài cũng đã phán quyết rằng không có thực thể nào ở Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Điều này có nghĩa rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực nằm trong EEZ hợp pháp của các nước khác ở Biển Đông không được hầu hết các quốc gia công nhận - bao gồm những nước ở Đông Nam Á.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, “hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh (và) gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á khi ngăn cản họ tiếp cận những nguồn hydrocarbon chưa khai thác.”

[Chuyên gia Mỹ chỉ trích hành vi cưỡng ép của Trung Quốc tại Biển Đông]

Chiếc tàu Trung Quốc tiến hành nghiên cứu hàng hải (MSR) rõ ràng nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Theo ông Ortagus, hoạt động của tàu khảo sát là “một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác, không cho họ khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông.”

Những gì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là rất mơ hồ, nhưng hàng động của họ là rõ ràng.

Họ vi phạm UNCLOS mà họ đã phê chuẩn. Nếu họ muốn tiến hành nghiên cứu hàng hải trong vùng EEZ của một quốc gia ven biển, lẽ ra họ phải xin phép quốc gia đó trước.

Hơn nữa, việc điều tàu hải cảnh và tàu “dân quân biển” đi theo bảo vệ tàu nghiên cứu địa chất cho thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng mối đe dọa sử dụng vũ lực để hậu thuẫn cho hành động xâm nhập bất hợp pháp của mình.

Đây không chỉ là một sự bất chấp trắng trợn về thỏa thuận pháp lý quốc tế mà Trung Quốc tham gia, mà là một món quà cho những kẻ chỉ trích Trung Quốc và một kẻ thua cuộc chắc chắn (ám chỉ Mỹ) trong cuộc cạnh tranh quyền lực mềm.

Các quan chức chính phủ và phương tiện truyền thông ở Mỹ, Việt Nam và nhiều nước - cũng như lực lượng phản đối Tổng thống Rodrigo Duterte ở trong nước - tiếp tục điệp khúc chỉ trích Bắc Kinh.

Giờ đây, Australia và Malaysia tham gia “màn hợp xướng” này cho dù họ không chỉ đích danh Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc cũng làm xói mòn lập luận của họ rằng một số tàu trinh sát, giám sát và tình báo Mỹ ở trong và đi qua EEZ của họ đã vi phạm các quy định UNCLOS mà lẽ ra phải có sự đồng ý cho những hoạt động này và trả phí theo quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong EEZ.

Một phần khác của bức tranh này là việc Trung Quốc bị cáo buộc trì hoãn các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Sự kiên nhẫn của các đối tác đàm phán đang dần cạn kiệt và những nhà phê bình đổ lỗi cho Trung Quốc vì thiếu sự tiến bộ.

Họ cho rằng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng ASEAN và COC trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, chẳng hạn như việc Trung Quốc muốn đưa vào COC một điều khoản: “Tất cả các bên không được tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với các nước ngoài khu vực, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước và không có sự phản đối.”

Mặc dù ý nghĩa của từ “các bên liên quan” là không rõ ràng, nhưng đề xuất này dường như nhắm vào Mỹ và các đồng minh trong khu vực cũng như những nước ngoài khu vực ủng hộ Mỹ như Nhật Bản và Australia. Trung Quốc còn đề xuất: “Không nên hợp tác với công ty của các nước ngoài khu vực.”

Có phải quyền lực mềm của Trung Quốc đang dần bị xói mòn? ảnh 1Một bản Triều Nguyễn khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Đây dường như là một nỗ lực để hạn chế khai thác dầu khí ở Biển Đông và chỉ có sự hợp tác giữa Trung Quốc và các bên yêu sách khác.

Trong một hành động bác bỏ đề xuất này, Australia, Nhật Bản và Mỹ đã ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “COC phải phù hợp với luật quốc tế hiện hành, như được phản ánh trong UNCLOS; (và) không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của tất cả các bên theo luật quốc tế....”.

Nhưng bản thân điều đó không quan trọng đối với các nước ASEAN bằng nhận thức rằng Trung Quốc đang thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN thay đổi chính sách đối ngoại của họ.

Việc một tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippine đang neo đậu và bỏ mặc ngư dân đã khiến dư luận quốc tế phẫn nộ.

Sự việc này dấy lên câu hỏi về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các chuẩn mực văn minh cơ bản. Nhưng thay vì thừa nhận lỗi lầm, Trung Quốc đã từ chối liên quan đến hành vi vi phạm vô nhân đạo rõ ràng này trong phong tục đi biển xưa nay.

Vụ việc này được xem xét trong bối cảnh hành vi hung hăng khác của Trung Quốc đối với Philippines - chẳng hạn như việc chiếm Bãi cạn Scarborough hay mới đây tập trung đông tàu thuyền cá gần các thực thể tranh chấp mà Philippines tuyên bố chủ quyền hay ban đầu từ chối thảo luận quán quyết của tòa trọng tài quốc tế với người ủng hộ và người bạn gần gũi, Tổng thống Rodrigo Duterte, mà không cần thiết phải khiến ông tức giận và cảm thấy ngượng ngùng.

Tháng 5/2017, ông Duterte tuyên bố rằng Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh nếu Philippines cố gắng thực thi phán quyết bằng cách khoan dầu ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hành vi này bắt đầu trông giống như “chủ nghĩa đế quốc.”

Từng trải qua kinh nghiệm cay đắng về chính trị và văn hóa “chủ nghĩa thuộc địa,” các quốc gia Đông Nam Á rất nhạy cảm với bất kỳ sự tráo trở thực sự hay tưởng tượng nào.

Nếu hành vi này tiếp tục, nó có thể phá hủy mọi thành quả trong sức mạnh mềm mà Trung Quốc đã kỳ công xây dựng nhiều thập kỷ.

Nhưng chưa phải là quá muộn. Tình hình chính trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á là tương đối khác biệt so với thực dân và thực dân Phương Tây kiểu mới ở một số khía cạnh quan trọng.

Trung Quốc cũng đã trải qua sự thống trị của phương Tây và Nhật Bản và có thể đồng cảm với sự cay đắng của các thuộc địa cũ và không lặp lại những sai lầm của chủ nghĩa thực dân.

Do đó, việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở Biển Đông với các bên yêu sách ASEAN có thể làm đảo lộn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á và chỉ “giành lấy thất bại thảm hại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục