Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3

Để có thể đi đến được cuộc gặp được đánh giá là “tuyệt vời đối với thế giới,” cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai.
Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều trong vòng hơn 1 năm qua.

Cuộc gặp được đánh giá là “tuyệt vời đối với thế giới” với dấu mốc lịch sử là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự, sang lãnh thổ Triều Tiên, thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc đảo ngược những gì đã diễn ra trong quá khứ và mở ra tương lai mới.

[Tìm lại lòng tin từ đường ranh giới ở làng đình chiến Panmunjom]

Để có thể đi đến được những bước tiến tích cực này, cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai. Dưới đây là những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên.

- Tháng 7-1953: Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định đình chiến.

- Đầu những năm 1980: Triều Tiên xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên Yongbyon, khẳng định là nhằm mục tiêu hòa bình.

- Đầu năm 1994: Triều Tiên đe dọa tái xử lý các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân. Mỹ chọn phương án đàm phán với Triều Tiên.

- Tháng 10/1994: Đàm phán Mỹ-Triều đưa ra được Thỏa thuận khung. Theo đó, Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng sẽ dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

- Năm 1998: Triều Tiên đồng ý tạm ngừng thử tên lửa tầm xa và tầm trung miễn là đàm phán với Mỹ vẫn tiếp diễn.

- Năm 2001: Tổng thống George W. Bush nhậm chức, Mỹ chuyển hướng ngừng đàm phán và tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên.

- Cuối năm 2002: Triều Tiên yêu cầu các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rời đất nước. Thỏa thuận khung sụp đổ.

- Năm 2003: Khởi động Đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc) nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

- Nửa cuối năm 2006: Triều Tiên tăng cường các hoạt động thử tên lửa tầm xa và thực hiện vụ nổ hạt nhân ngầm đầu tiên.

- Tháng 2-2007: Vòng Đàm phán sáu bên thứ 6 đạt được kế hoạch phi hạt nhân hóa, ra hạn chót cho Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ.

- Cuối năm 2007: Triều Tiên vô hiệu hóa nhà máy Yongbyon, dỡ bỏ hàng nghìn thanh nhiên liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Mỹ.

- Giữa năm 2008: Bình Nhưỡng cung cấp cho Mỹ chi tiết về chương trình hạt nhân và tháo dỡ thêm cơ sở Yongbyon. Đáp lại, Mỹ giảm nhẹ trừng phạt và đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

- Cuối năm 2008: Triều Tiên khởi động lại chương trình hạt nhân, cấm hoạt động thanh sát hạt nhân. Đàm phán sáu bên rơi vào bế tắc.

- Tháng 5/2009: Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 2

- Tháng 7 và 10/2011: Mỹ-Triều đàm phán song phương. Triều Tiên cho biết chỉ quay trở lại Đàm phán 6 bên nếu không có điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đòi Triều Tiên thể hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.

- Tháng 2/2012: Triều Tiên đồng ý ngừng thử hạt nhân, cho phép IAEA quay trở lại giám sát hoạt động tại Yongbyon.

- Từ năm 2012 đến 2017: Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và 4 vụ thử hạt nhân, bất chấp việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt các vòng trừng phạt ngày càng mạnh mẽ hơn.

- Ngày 12/6/2018: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra tại Singapore, được đánh giá là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.

- Ngày 1/1/2019: Trong thông điệp Năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa.

- Ngày 27 và 28/2/2019: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã không ra được Tuyên bố chung và hai bên cũng không ký kết bất kỳ văn bản nào.

- Ngày 18/4/2019: Triều Tiên thử nghiệm một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật thế hệ mới. Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.

- Từ ngày 4 đến 9/5/2019: Triều Tiên phóng các vật thể bay nghi là tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Đây được xem là những động thái cứng rắn  nhưng là bước đi chiến thuật của Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân.

- Tháng 5/2019: Lần đầu tiên Mỹ bắt giữ một tàu chở hàng của Triều Tiên do cáo buộc vận chuyển than trái phép vi phạm lệnh trừng phạt.

Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

- Ngày 14/6/2019: Nhân thời điểm đánh dấu 1 năm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1, Tổng thống Trump cho biết đã nhận được một bức thư có nội dung “nồng ấm” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

- Ngày 23/6/2019: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã nhận được một lá thư “tuyệt vời” từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và rất “hài lòng” khi đọc thư. Tuy nhiên KCNA không tiết lộ nội dung cụ thể.

- Ngày 29/6/2019: Trên Twitter, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để "bắt tay và gửi lời chào."

- Ngày 30/6/2019: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục