Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi

Với việc tái cơ cấu các khoản nợ vay, đội tàu và đẩy mạnh vận tải biển, cảng biển, Vinalines đã có bước hồi sinh mạnh mẽ từ “con tàu đắm” để vươn mình ra khơi, tự thở bằng hơi thở của bản thân.
Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi ảnh 1Vinalines luôn phải đi đều ‘hai chân’ đó là phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ. (Nguồn ảnh: Vinalines)

Với việc tái cơ cấu các khoản nợ vay, đội tàu và đẩy mạnh vận tải biển, cảng biển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã có bước hồi sinh mạnh mẽ từ “con tàu đắm” để vươn mình ra khơi, tự thở bằng hơi thở của bản thân.

Vẽ lại bức tranh… lỗ, lãi

Trong những năm qua, hoạt động của Vinalines luôn phải đi đều “hai chân” đó là phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ. Chính vì vậy, nhờ “cú hích” từ cảng biển và vận tải biển, Vinalines bước đầu thoát khỏi “sương mù thua lỗ,” đến năm 2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của đơn vị này dự kiến lãi khoảng 130 tỷ đồng, là kết quả tốt nhất của Vinalines trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Cần phải nhớ rằng, tầm vóc và thương hiệu Vinalines trong những năm 2010 gần như chiếm thế độc quyền trong lĩnh vực vận tải biển khi sở hữu đội tàu hùng mạnh (trọng tải đội tàu của Vinalines đạt 2,8 triệu tấn), tổng số tiền đơn vị nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 4.000 tỷ đồng.

[‘Ông lớn’ Vinalines lãi gần 350 tỷ, giảm lỗ vận tải biển tới 70%]

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng hải. Giá cước vận tải biển sụt giảm trầm trọng, doanh thu từ mảng vận tải biển luôn trong trạng thái “rơi tự do.” Thua lỗ ập tới nhanh chóng, bức tranh tài chính của Vinalines ngày càng thê thảm và đứng trước bờ vực phá sản. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2013-2015.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Vinalines thừa nhận, khó khăn nhất của tái cơ cấu là việc phải xây dựng phương án làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy được tính khả thi; phải thuyết phục các tổ chức tín dụng, ngân hàng để họ có có niềm tin Vinalines sẽ cải thiện được tình hình kinh doanh và có tiền thanh toán dư nợ tồn đọng.

Theo ông Hải, thời điểm tái cơ cấu, khoản nợ của Vinalines lên đến hơn 67.500 tỷ đồng (năm 2013), doanh thu không đủ thanh toán chi phí lãi vay, khả năng chi trả mỗi ngày một thấp khiến doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

“Vinalines bắt tay vào làm là cơ cấu lại các khoản nợ vay để không bị mất cân đối giữa nợ và tài sản, mua bán nợ và chuyển nợ thành vốn góp đồng thời cơ cấu lại đội tàu, thu gọn đầu mối và thoái vốn tại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ,” ông Hải cho hay.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, trong hai năm 2016-2017, dù vận tải biển vẫn tiếp tục gặp khó khăn nhưng cảng biển và lĩnh vực logistics vẫn có lãi.

“Sau 4 năm tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổng số nợ phải trả của Vinalines giảm từ 67.550 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 20.000 tỷ đồng (năm 2018), lỗ lũy kế giảm từ hơn 23.000 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 3.200 tỷ đồng (năm 2018). Nợ được kéo giảm, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, vốn chủ sở hữu tại Vinalines đã thay đổi mạnh mẽ từ âm hơn 8.700 tỷ đồng (2013) lên dương gần 8.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại…,” ông Tĩnh nói.

[Tái cơ cấu Vinalines: Hải trình “ông lớn” đang đi đúng hướng?]

Cùng với sự ấm dần lên của thị trường vận tải biển, Vinalines đã bắt đầu hái những thành quả đầu tiên của việc chủ động tìm đến chủ hàng, thay vì chờ đợi chân hàng như trước.

Sau những bước chuyển mình mạnh mẽ, Vinalines đã cổ phần hóa thành công từ tháng 9/2018, hơn 5 triệu cổ phiếu đã được đăng ký mua. Dù lượng cổ phiếu giao dịch có lẽ còn khá ít song theo lãnh đạo Vinalines, đó là sự khẳng định sau muôn trùng sóng gió, con tàu Vinalines không những không bị nhấn chìm mà còn vươn lên để tự khẳng định, tự thay đổi mình.

Phục hồi “sức khỏe” để vươn khơi

Thừa nhận phải đối mặt với nhiều khó khăn, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines đánh giá, thị trường vận tải biển hiện đã ổn định, nhưng giá cước vận tải và cho thuê tàu vẫn ở mức thấp. Từ khi ngành vận tải biển suy thoái đến nay, các chủ tàu tư nhân trong nước tận dụng việc đầu tư được tàu giá thấp để đầu tư các nhóm tàu, gia tăng năng lực cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước.

“Mặt khác, xu hướng liên minh của các hãng tàu nước ngoài, giữa các hãng tàu với các doanh nghiệp cảng biển hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải biển nội địa, làm ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải,” ông Sơn phân tích.

Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi ảnh 2Cảng biển và logistics vẫn là thế mạnh chính của Vinalines. (Ảnh: TTXVN)

Tin tưởng thế mạnh về nguồn lực cơ sở hạ tầng đang sở hữu vẫn được kỳ vọng là “bàn đạp” tạo đà để đi lên, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn tập trung vào thế “kiềng 3 chân” gồm cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải nhưng hai mảng cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Tĩnh, thời gian tới, Vinalines sẽ đẩy mạnh thực hiện tham gia đấu thầu công tác vận chuyển. Vinalines sẽ đấu thầu các lô hàng lớn như than, quặng hoặc các nguyên vật liệu cho các khu công nghiệp hoặc nhà máy lớn. Vinalines đã và đang tích cực phát triển dịch vụ logistics trọn gói.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines, trên nền tảng lợi thế tích hợp hạ tầng về hệ thống cảng biển/Vận tải biển và Logistics trên toàn quốc, Vinalines (VIMC) sẽ đồng hành cùng khách hàng xây dựng giải pháp thị trường tối ưu với chi phí hợp lý nhất. Theo đó, VIMC sẽ tận dụng đặc thù và thế mạnh là có hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả ba khối: vận tải biển, cảng biển, Logistics. VIMC sẽ tận dụng tối đa thế mạnh từ các doanh nghiệp thành viên vốn đã có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả ba khối, đồng thời nâng cao giá trị và sức mạnh của toàn Tổng công ty, Tiến sĩ Lê Quang Trung đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác kết nối các doanh nghiệp thành viên trong Tổng công ty, xây dựng hình ảnh một Vinalines với sức mạnh tổng thể và toàn diện. “Việc rà soát, đánh giá, tập trung vào năng lực nổi bật, thế mạnh của từng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế các gói dịch vụ tích hợp với sự tham gia của cả ba khối,” ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cũng cho rằng, Vinalines sẽ tập trung công tác phát triển thị trường lấy khách hàng làm trung tâm, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo giá trị của doanh nghiệp. Đi liền với đó là, phát triển dịch vụ chuỗi trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực, năng lực của các đơn vị thành viên nhằm đưa ra các giải pháp tổng thể với tổng chi phí logistics trên toàn chuỗi thấp nhất cho khách hàng, với chất lượng dịch vụ cao nhất.

Theo ông Lê Quang Trung, đây là những giải pháp căn cốt để từng bước đưa Vinalines trở thành nhà cung cấp uy tín các giải pháp trọn gói, tối ưu từ khâu cung cấp, vận tải, khai thác cảng, giao nhận, kho vận trên nền tảng cung ứng dịch vụ Door to Door, từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu với chất lượng tốt nhất, tích hợp các giá trị của các doanh nghiệp thành viên nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn trước mắt, sẽ tập trung vào một số mặt hàng trọng yếu.

[Bộ trưởng Giao thông: ‘Con tàu Vinalines đã vượt qua được sóng lớn’]

Nhìn nhận Vinalines là một trong những tập đoàn được đầu tư rất lớn, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cách đây 5-6 năm về trước, nhìn về tương lai đa phần thấy màu xám, đen nhiều hơn là màu hồng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, Tổng công ty cũng hết sức khó khăn, hoạt động sản xuất thu không đủ chi, âm vốn, nguy cơ đổ vỡ của Tập đoàn lớn.

Theo ông Thể, 5 năm qua, Vinalines giống con tàu vượt qua được con sóng lớn. Đơn vị này đã tái cơ cấu thành công ở chỗ nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng năm tổng kết nợ tăng nhưng kết quả sản xuất năm 2016 lần đầu tiên có lãi và năm sau cao hơn năm trước. Điều này chứng tỏ Vinalines đã ‘tự thở bằng hơi thở của bản thân,’ trái ngược với suy nghĩ con tàu này đã chìm.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục