Công an Bắc Giang bắt nhóm đối tượng phát tán tin nhắn lừa đảo

Công an Bắc Giang vừa điều tra, làm rõ một nhóm đối tượng có hành vi sử dụng công nghệ cao đế phát tán các tin nhắn trái phép qua mạng viễn thông vào các website đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an Bắc Giang bắt nhóm đối tượng phát tán tin nhắn lừa đảo ảnh 1Đối tượng Nông Hữu Chiến. (Nguồn: báo Bắc Giang)

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, điều tra, làm rõ một nhóm đối tượng sử dụng xe ôtô, thiết bị máy móc phát sóng để phát tán các tin nhắn trái phép qua mạng viễn thông với nội dung quảng cáo cho các website đánh bạc, phục vụ hoạt động đánh bạc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Các đối tượng hoạt động chủ yếu ở những khu vực đô thị, đông dân cư, khu công nghiệp có nhiều công nhân.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khẩn trương, quyết liệt trong tổ chức xác minh, đồng thời, chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng này.

Đến ngày 27/3 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng 4-Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng 9-Cục Cảnh sát Hình sự tiến hành phá chuyên án, bắt giữ đối tượng Nông Hữu Chiến (sinh năm 1989) và Triệu Văn Biển (sinh năm 1997), cùng trú tại tỉnh Lạng Sơn đang có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để phát tán các tin nhắn phục vụ hoạt động đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại khu vực phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

[Cần thận trọng với đường link lạ từ tin nhắn SMS 'Tình một đêm'] 

Quá trình bắt giữ, lực lượng Công an thu giữ một máy tính xách tay HP Probook, một thiết bị BTS, một bộ phát sóng Wifi di động, một ăngten, một bộ chuyển đổi nguồn điện và một xe ôtô. Bước đầu, hai đối tượng này khai nhận đã sử dụng các thiết bị trên để phát tán trái phép khoảng 10.000 tin nhắn tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Vụ việc sau đó đã được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Hai đối tượng đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.”

Tiếp tục mở rộng chuyên án, ngày 7/4 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập, đấu tranh làm rõ một đối tượng sinh năm 1999 và một đối tượng sinh năm 2003, cùng trú tại tỉnh Điện Biên, hiện tạm trú tại tỉnh Bắc Giang có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác xảy ra tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thu giữ một máy tính xách tay, một thiết bị BTS, một thiết bị ăngten.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bàn giao hai đối tượng trên cùng tang vật đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, xác định các đối tượng này hoạt động theo nhóm. Mỗi xe ôtô gồm một lái xe, một kỹ thuật, hàng ngày, chia thành hai ca từ 10 giờ đến 22 giờ và từ 22 giờ đến khi kết thúc nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo. Các đối tượng được trả công như sau: đối tượng kỹ thuật là 800.000 đồng/ngày, lái xe 900.000 đồng/ngày thông qua tài khoản ngân hàng “rác.”

Công an Bắc Giang bắt nhóm đối tượng phát tán tin nhắn lừa đảo ảnh 2Nhiều người dùng nhận được tin nhắn lừa đảo từ brandname trùng với một ngân hàng uy tín trong nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lực lượng chức năng bước đầu xác định nhóm đối tượng cầm đầu, điều hành (có cả người nước ngoài và Việt Nam) đều đang ở Campuchia.

Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Thời gian qua, nhiều người dùng nhận được các tin nhắn rác chứa tên thương hiệu (brandname) mạo danh ngân hàng, hoặc có nội dung khiêu dâm, dung tục, yêu cầu người dùng truy cập đường link để xem nội dung.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đây là tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng truy cập đường link để cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin tài khoản. Để gửi tin nhắn brandname đến người dùng, thủ đoạn chung của kẻ gian là tạo ra một trạm phát sóng BTS giả.

Tin nhắn giả brandname thường đi kèm 1 đường link, nếu người dùng làm theo hướng dẫn, bấm vào đường link sẽ truy cập đến một website giả mạo có giao diện giống hệt website của ngân hàng.

Người dùng thao tác trên website giả mạo, nhập thông tin tài khoản mật khẩu, sau đó nhập cả mã OTP, những thông tin này được hacker thu thập và thực hiện lệnh chuyển tiền trên hệ thống của ngân hàng, khiến cho người dùng bị mất tiền ngay lập tức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục