Công bố lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh được Ủy ban TVQH thông qua

Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09 vẫn còn một số hạn chế và bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.
Công bố lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh được Ủy ban TVQH thông qua ảnh 1Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Chiều 30/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân tối cao, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13/12/2022.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Sự cần thiết ban hành pháp lệnh

Ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09).

Pháp lệnh số 09 có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, các tòa án đã xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09 vẫn còn một số hạn chế và bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đặc biệt, việc cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

[Tiếp tục chỉ định luật sư bảo vệ quyền cho người chưa thành niên]

Bên cạnh đó, ngày 24/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có tính tương đồng với Pháp lệnh số 09. Trong khi đó, Pháp lệnh số 01 có nhiều quy định mới, tiến bộ mà Pháp lệnh số 09 hiện hành chưa có.

Như vậy, có thể nói Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01 nên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi.

Bảo đảm quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Pháp lệnh gồm 5 Chương, 44 điều. Cụ thể, về nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính, khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bên cạnh việc bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải bảo đảm các nguyên tắc khác như: Quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; quyền được xem xét theo hai cấp; được tham gia, trình bày ý kiến trước tòa án, tranh luận tại phiên họp; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do 1 thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định những nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng phải bảo đảm tính đặc thù, phù hợp với người chưa thành niên như: Trình tự, thủ tục phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ; người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh được Ủy ban TVQH thông qua ảnh 2Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao giới thiệu về Pháp lệnh. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Để bảo đảm tốt nhất quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh quy định Thẩm phán được quyền tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em.

Đáng chú ý, Pháp lệnh quy định một số thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, bảo đảm lợi ích tốt nhất và phù hợp cho các em. Cụ thể, thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tại phiên họp thẩm phán mặc trang phục hành chính của tòa án nhân dân. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn.

Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ người chưa thành niên. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Ngoài ra, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nhưng có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục (Điều 140a Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi trên thực tiễn khi áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh đã quy định, khi tòa án nhận được hồ sơ đề nghị, nếu có đề nghị áp dụng biện pháp thay thế giáo dục dựa vào cộng đồng thì phải kiểm tra tài liệu có đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì người bị đề nghị trình bày ý kiến về căn cứ áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Khi xem xét đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nếu có đủ căn cứ nêu trên thì thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Trường hợp thẩm phán quyết định không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì công bố nội dung quyết định này tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục