COVID-19 ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu

Cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu, được tính bằng tổng giá trị tuyệt đối của thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai của các quốc gia, tăng từ mức 2,8% GDP của thế giới năm 2019 lên 3,2% năm 2020.
COVID-19 ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo tạp chí Eurasia Review, năm 2020 là một năm nhiều khó khăn với tất cả các hoạt động du lịch đã phải tạm ngừng trong một thời gian, giá dầu mỏ biến động mạnh và giao dịch vật tư y tế đạt mức cao mới, chi tiêu của các hộ gia đình chuyển sang hàng tiêu dùng thay vì dịch vụ và tiết kiệm tăng vọt khi mọi người ở nhà trong bối cảnh hoạt động đi lại bị hạn chế trên toàn cầu.

Các chính sách chưa từng có mà các nước triển khai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát đã giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế. Những biện pháp phản ứng khẩn cấp, như những thay đổi lớn về du lịch, tiêu dùng và thương mại, đang khiến thế giới trở nên mất cân bằng hơn về kinh tế. Điều này được thể hiện trong cán cân tài khoản vãng lai - số liệu phản ánh giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu.

Theo các báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu, được tính bằng tổng giá trị tuyệt đối của thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia trên thế giới, đã tăng từ mức 2,8% GDP của thế giới trong năm 2019 lên 3,2% GDP năm 2020; và tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ này lẽ ra đã giảm nếu đại dịch không bùng phát.

Một năm nhiều biến động

Mặc dù thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng quan ngại ở mỗi quốc gia, nhưng sự mất cân đối quá mức trong cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu-vượt quá khả năng điều chỉnh của các chính sách và nền tảng kinh tế-có thể gây ra những nguy cơ bất ổn. Những biến động mạnh mẽ đối với tình trạng thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai của các quốc gia trong năm 2020 được thúc đẩy bởi bốn xu hướng chính, chủ yếu do tác động đại dịch:

Thứ nhất, đại dịch khiến cho các hoạt động du lịch, đi lại giảm mạnh. Điều này có tác động tiêu cực đáng kể đến cán cân tài khoản vãng lai của các quốc gia phụ thuộc vào doanh thu du lịch, chẳng hạn như Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Những tác động thậm chí còn lớn hơn đối với các nền kinh tế nhỏ hơn phụ thuộc vào du lịch.

[Thặng dư tài khoản vãng lai giảm mạnh trong tháng 4/2021]

Thứ hai, nhu cầu đối với dầu mỏ giảm sút. Sự suy giảm nhu cầu đối với dầu mỏ khiến giá năng lượng giảm xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn và giá dầu đã phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga, đã chứng kiến cán cân tài khoản vãng lai giảm mạnh trong năm 2020. Các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ cũng ghi nhận mức tăng tương ứng đối với cán cân buôn bán dầu của họ.

Thứ ba là sự bùng nổ thương mại các mặt hàng vật tư y tế. Nhu cầu đối với các loại vật tư y tế quan trọng để chống lại đại dịch đã tăng khoảng 30%, chẳng hạn như thiết bị bảo hộ cá nhân, cũng như đầu vào và nguyên liệu để sản xuất chúng.

Thứ tư là sự dịch chuyển tiêu dùng hộ gia đình. Khi mọi người buộc phải ở nhà, các hộ gia đình đã chuyển tiêu dùng của họ từ dịch vụ sang hàng tiêu dùng. Điều này xảy ra hầu hết ở các nền kinh tế tiên tiến, nơi có sự gia tăng mua hàng hóa lâu bền như các thiết bị điện tử để đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến và làm việc từ xa.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến một số quốc gia ghi nhận mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn (nghĩa là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) hoặc thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn (tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu). Trong bối cảnh hiện nay, các điều kiện tài chính toàn cầu thuận lợi, cùng với sự hỗ trợ chính sách tiền tệ chưa từng có của các ngân hàng trung ương, đã giúp những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cải thiện tình trạng này. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn có thể đẩy các quốc gia vào suy thoái sâu hơn.

Ngoài những yếu tố bên ngoài nói trên, đại dịch đã khiến các chính phủ phải vay nợ ồ ạt để tài trợ cho hệ thống y tế và hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này cũng tạo ra những tác động không đồng đều đối với cán cân thương mại.

Viễn cảnh thời gian tới

Các dự báo của IMF cho thấy cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu sẽ bắt đầu có sự cải thiện trong những năm tới, về mức 2,5% GDP toàn cầu vào năm 2026, khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc và thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đều giảm.

Tuy nhiên, sự cải thiện này có thể diễn ra chậm, nếu các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Mỹ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa bổ sung, hoặc các nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn như Đức có sự điều chỉnh chính sách tài khóa nhanh hơn dự kiến.

COVID-19 ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu ảnh 2Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch bùng phát trở lại và việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể làm gián đoạn dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Khi đó, các nền kinh tế đang phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng hầu hết các nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng cán cân tài khoản vãng lai ở các quốc gia thường xảy ra trước khi đại dịch bùng phát. Các lý do thường thấy là sự mất cân đối trong tài khóa, các vấn đề mang tính cơ cấu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tái cân bằng nền kinh tế thế giới

Chấm dứt đại dịch là cách duy nhất để đảm bảo phục hồi kinh tế toàn cầu, giúp ngăn chặn sự phân hóa sâu sắc hơn trong cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu. Điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực toàn diện để giúp các quốc gia đảm bảo tài chính cho việc tiêm chủng và duy trì chăm sóc sức khỏe. Nỗ lực thúc đẩy đầu tư và chi tiêu cho y tế đồng bộ trên toàn thế giới có thể có tác động lớn đến tăng trưởng mà không làm ảnh hưởng bất lợi đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu.

Các chính phủ cần tăng cường nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại và công nghệ cũng như hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế. Ưu tiên hàng đầu nên là loại bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt là đối với các sản phẩm y tế.

Các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai quá lớn nên tìm cách giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn và thực hiện các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả chính sách giáo dục và đổi mới. Ở các nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và có dư địa tài khóa, các chính sách cần hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng trung hạn, ví dụ như đẩy mạnh đầu tư công.

Trong những năm tới, các quốc gia sẽ cần tái cân bằng cán cân tài khoản vãng lai và đảm bảo rằng sự phục hồi được xây dựng trên một nền tảng vững chắc và lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục