CPA Australia: Công nghệ thúc đẩy mô hình phục hồi hình chữ V cho các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam

HÀ NỘI, VIỆT NAM – Media OutReach – Ngày 13 tháng 4 năm 2021 – Sự kết hợp giữa việc chuyển đổi kinh doanh nhanh chóng, áp dụng công nghệ mạnh mẽ và khả năng tiếp cận tài chính đã giúp các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam trải qua mô hình phục hồi hình chữ V […]

HÀ NỘI, VIỆT NAM – Media OutReach – Ngày 13 tháng 4 năm 2021 – Sự kết hợp giữa việc chuyển đổi kinh doanh nhanh chóng, áp dụng công nghệ mạnh mẽ và khả năng tiếp cận tài chính đã giúp các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam trải qua mô hình phục hồi hình chữ V do tác động của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về khả năng tăng trưởng trong năm 2021 trong số các thị trường được khảo sát trong Khảo sát Doanh nghiệp nhỏ châu Á – Thái Bình Dương năm 2020-2021 của CPA Australia.

Cuộc khảo sát đã thu thập ý kiến ​​của 4.227 doanh nghiệp nhỏ tại 11 thị trường trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc đại lục, Malaysia, Việt Nam và Australia, để hiểu chiến lược và triển vọng kinh doanh của họ. Có 310 doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã tham gia cuộc khảo sát này.

Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam coi đại dịch COVID-19 là thách thức lớn nhất của họ trong năm ngoái. Có tới 81% doanh nghiệp được hỏi báo cáo rằng, đại dịch COVID-19 có tác động tiêu cực lớn đến hoạt động kinh doanh của họ, kết quả cao nhất trong cuộc khảo sát. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi và sự thích ứng vượt trội. Có tới 77% doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã phục hồi từ đại dịch COVID-19 hoặc dự kiến ​​sẽ phục hồi trong năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của cuộc khảo sát (là 39%).

Bà Nguyễn Hiền, Trưởng đại diện khu vực phía Bắc Việt Nam của CPA Australia cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc biến rủi ro thành cơ hội vào năm ngoái. Đó là những người chủ động nhất trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng việc kỹ thuật số hóa, với 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rằng, họ đã bắt đầu hoặc tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Điều đáng khích lệ là, mặc dù có một năm 2020 đầy thách thức, nhưng có tới 63% doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đã tăng trưởng, cao thứ hai trong số các thị trường được khảo sát.

Sự phục hồi kinh doanh bền vững dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì trong năm nay. Có tới 86% doanh nghiệp tham gia khảo sát mong đợi hoạt động kinh doanh của mình sẽ tăng trưởng trong năm nay, tỷ lệ này cao thứ hai trong số các thị trường được khảo sát. Có tới 87% kỳ vọng nền kinh tế trong nước sẽ tăng trưởng, đây là kết quả tích cực nhất trong các thị trường được khảo sát. Triển vọng tích cực này được phản ánh thông qua dự định của các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam là tăng thêm nguồn nhân sự (42%) và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình mới đến thị trường nội địa hoặc ngoài nước (25%) trong năm nay.

Bà Nguyễn Hiền cho biết thêm: “Triển vọng tăng trưởng mạnh và văn hóa đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế hàng năm của Chính phủ ở mức từ 6,5% đến 7,0% trong giai đoạn 2021-2025,cũng như tập trung vào việc nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp”.

Các kết quả khảo sát nêu rõ mối liên hệ mật thiết giữa việc sử dụng công nghệ và sự phát triển mạnh của doanh nghiệp. Có tới 78% doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam cho biết việc đầu tư vào công nghệ trong năm 2020 đã cải thiện khả năng sinh lời của họ. Đây là sự phản hồi cao nhất trong các thị trường được khảo sát và cao hơn mức trung bình của cuộc khảo sát (là 48%).

Bà Huỳnh Thiện, Trưởng đại diện khu vực phía Nam Việt Nam của CPA Australia, nhận xét: “Không có gì là ngạc nhiên khi có tới 3/4 doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam nhận được hơn 10% doanh số bán hàng thông qua công nghệ thanh toán mới, cao thứ ba trong cuộc khảo sát. Có nhiều khả năng là họ đã đầu tư vào thiết bị bán hàng trong năm 2020. Điều này thể hiện việc nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số”.

Các chính sách của Chính phủ như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và môi trường tài chính thân thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam tiếp tục phát triển. Có tới 73% doanh nghiệp nhỏ tham gia khảo sát cho biết, họ đã tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài trong năm 2020. Có tới 48% nhận thấy việc tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài khá dễ dàng hoặc rất dễ dàng, tăng so với mức 17% của năm 2019. Trong số các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn bên ngoài, thì có tới 58% đã sử dụng nguồn vốn này để tăng trưởng kinh doanh và 56% tìm kiếm nguồn vốn từ ngân hàng.

Bà Huỳnh Thiện cho biết thêm: “Nhu cầu đối với nguồn vốn bên ngoài của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam vẫn còn rất lớn trong năm nay. Có tới 51% doanh nghiệp tham gia khảo sát mong đợi sẽ tìm kiếm được nguồn tài chính bên ngoài và 67% hy vọng sử dụng nguồn vốn để tăng trưởng kinh doanh trong năm nay. Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ có thể sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài hơn”.

Cho dù các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam tỏ ra khá lạc quan, song họ cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh mạng. Có tới 46% cho rằng, có thể bị tấn công mạng trong năm nay, trong khi chỉ có 32% dành sự quan tâm đến an ninh mạng của mình trong 6 tháng qua, thấp hơn mức trung bình của cuộc khảo sát (là 43%).

CPA Australia khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam nên xem xét các hành động sau để cải thiện khả năng phục hồi của mình:

Tìm kiếm lời khuyên từ một chuyên gia tư vấn đáng tin cậy, chẳng hạn như một chuyên gia kế toánNâng cao các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và đánh giá hệ thống công nghệ thông tin một cách thường xuyên.Tập trung sự chú ý đến khoản nợ và chi phí tài chính bên ngoài.Khám phá các cơ hội mới để đa dạng hóa và mở rộng ra các thị trường mới.Đầu tư vào các thiết bị mới nhất và các công nghệ có liên quan.Quan tâm đến các chi phí và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Có thể tải xuống: Khảo sát Doanh nghiệp nhỏ châu Á – Thái Bình Dương năm 2020-2021 (CPA Australia Asia-Pacific Small Business Survey 2020-21).

Thông tin về CPA Australia

CPA Australia là một trong những cơ quan kế toán chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới, với hơn 168.000 thành viên làm viên tại hơn 100 quốc gia và khu vực, trong đó có hơn 20.000 thành viên ở Đông Nam Á. Văn phòng của CPA Australia tại Việt Nam, đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được khai trương vào năm 2008. Các dịch vụ cốt lõi của CPA Australia bao gồm giáo dục, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và vận động chính sách. CPA Australia cung cấp lãnh đạo bằng tư duy về các vấn đề địa phương, quốc gia và quốc tế ảnh hưởng đến nghề, lĩnh vực kế toán và lợi ích công cộng. CPA Australia tham gia với các chính phủ, cơ quan quản lý và các ngành, lĩnh vực để vận động các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững và mang lại kết quả kinh doanh và công ích tích cực. Có thể tìm hiểu thêm về CPA Australia tại cpaaustralia.com.au

Tin cùng chuyên mục