Cuộc chiến chống xâm nhập mặn và tìm kiếm nước sạch của người Ấn Độ

Đối với những người dân sống ở ven biển phía Tây Nam Ấn Độ, khi xâm nhập mặn dâng cao, đồng nghĩa với họ phải chiến đấu với ‘cơn khát’ nước ngọt sinh hoạt mỗi ngày.
Cuộc chiến chống xâm nhập mặn và tìm kiếm nước sạch của người Ấn Độ ảnh 1Người dân ở khu vực Chellanam, Kochi, bang Kerala, Ấn Độ, lấy nước sinh hoạt ngày 1/3/2023. (Nguồn: AP)

Gia đình Anthony Kuttappassera sống trong một ngôi nhà ven biển Arab trong hơn một thế kỷ. Ông lớn lên uống nước từ ao và giếng bên ngoài ngôi nhà của mình.

Nhưng 60 năm trước, nước ao trở nên quá mặn để uống. Sau đó, nó trở nên quá mặn để tắm hoặc giặt quần áo.

Và giờ đây, nước ao có màu xanh lục, sủi bọt và gần như khô cạn - giống như phần còn lại của các giếng và ao ở khu vực Chellanam của Kochi, một thành phố có khoảng 600.000 dân ở bờ biển phía Tây Nam Ấn Độ.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu làm nước mặn tràn vào những “bồn chứa” nước ngọt ở những nơi như Chellanam. Điều này đe dọa nguồn cung cấp nước quan trọng cho cuộc sống hàng ngày của người dân.

[Infographics] Nguy cơ thiếu nước trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Phi  

Các đường ống dẫn nước ngọt từ đất liền thường xuyên bị vỡ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khổ cho người dân trong ngôi làng rộng khoảng 8km2 này.

Tình trạng khan hiếm nước ngọt kéo dài buộc người dân phải thuê xe tải chở nước đến ngôi làng và dự trữ trong thùng, xô, chậu.

Ông Kuttappassera, 73 tuổi, cho biết: “Trước đây, chúng tôi sử dụng nước sinh hoạt từ những cái ao này, giờ thì không thể. Không còn nguồn nước nào khác, giờ đây chúng tôi phải sử dụng nước đóng chai để làm mọi việc."

Mặc dù ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với nguồn cung cấp nước ngầm đang là vấn đề trên toàn thế giới nhưng các quốc gia giàu có hơn có thể thích nghi dễ dàng hơn.

Mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn nhiều đối với các quốc gia như Ấn Độ khi nước này dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay.

Ấn Độ vẫn được coi là một quốc gia đang phát triển ngay cả khi nước này đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà khoa học cho biết mực nước biển dâng cao, thay đổi “cơ chế sinh học” đại dương, thời tiết cực đoan, sử dụng giếng quá mức và phát triển quá nhanh đều làm gia tăng vấn đề nhiễm mặn ở thành phố Kochi, Ấn Độ.

Đây là thách thức lớn đối với một quốc gia vốn đã thiếu thốn nước sinh hoạt. Theo UNICEF, chưa đến một nửa dân số Ấn Độ được tiếp cận với nước sạch.

Bijoy Nandan, Trưởng khoa Khoa học biển Đại học Khoa học và Công nghệ Cochin, chia sẻ: “Mọi người phải đối mặt với tình trạng các tầng ngậm nước đang bị nhiễm mặn.”

Độ mặn đã tăng từ 30% đến 40% kể từ khi những nghiên cứu đầu tiên về nước được tiến hành trong khu vực này vào năm 1971.

S. Sreekesh, Giáo sư Đại học Jawaharlal Nehru, đã nghiên cứu về mối nguy hại tiềm tàng này tại Kochi khi quan sát qua vệ tinh, máy đo thủy triều và các nguồn dữ liệu khác từ năm 1970 đến năm 2020. Ông phát hiện ra nước biển dâng cao khoảng 1,8mm mỗi năm.

Việc lấy nước sạch ở Chellanam luôn gặp khó khăn, cộng thêm với việc vỡ đường ống nước, mất điện trong cả tháng càng khiến họ khó khăn hơn.

Đưa nước vào bằng xe tải hoặc thuyền nhỏ chỉ là bước khởi đầu trong hành trình giành nước sinh hoạt.

Bốn xe tải khổng lồ chở 36.000 lít nước sẽ đến bãi đậu xe của nhà thờ, nhưng không thể đi xa hơn do đường phố quanh co hẹp. Vì vậy, tài xế sẽ nối một ống và vặn vòi để nước từ từ được đổ vào các thùng nhỏ hơn: 6.000 lít, 4.000 lít và thậm chí cả 1.000 lít.

Những chiếc thùng nhỏ hơn đó lại di chuyển tiếp về các con đường trong làng để đổ vào những chiếc thùng lớn dựng lên ven đường, để rồi người dân nhúng những chiếc nồi nhôm 5, 6 lít màu bạc vào thùng, lấy nước đem về nhà để sử dụng.

Maryamma Pillai, 82 tuổi, là một phụ nữ thường xuyên túc trực chờ xe tải đến để lấy nước sạch. Bà phải chi khoảng 40 rupee, tương đương gần 12.000 đồng tiền Việt cho 5 lít nước, hoặc đợi xe bồn của chính phủ đến để lấy nước miễn phí.

Bà Pillai mắc bệnh tim nên việc di chuyển vô cùng vất vả, liên tục phải nghỉ giữa đường, khi vác 7 xô nước đi 100m về nhà.

“Ở nhà tôi không có nước để làm bất cứ việc gì, kể cả rửa mặt. Vì vậy, tôi cố gắng đem nhiều nước về nhà nhất có thể,” bà vừa nói vừa vỗ ngực để bớt căng thẳng.

Bà Pillai cho biết tình trạng khan hiếm nước vẫn ngày càng trở nên tồi tệ hơn mỗi năm khi mùa Hè trở nên khắc nghiệt hơn.

Mục sư John Kalathil ở Nam Chellanam cho biết cư dân trong khu vực phải trả 100 đến 200 rupee (khoảng 1,21 đến 2,42 USD mỗi ngày) cho nước sạch để uống, nấu ăn và giặt giũ, tương đương khoảng 15% thu nhập hằng ngày của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục