Cứu sống bệnh nhân ngừng hô hấp tuần hoàn do điện giật và ngạt nước

Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, hiện người bệnh tỉnh táo, có thể sinh hoạt như người bình thường, thang điểm hôn mê Glasgow đạt 15 điểm.
Cứu sống bệnh nhân ngừng hô hấp tuần hoàn do điện giật và ngạt nước ảnh 1Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 28/5, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết một nam bệnh nhân (31 tuổi, trú phường Phú Hậu, thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế) đã được đơn vị cứu sống.

Hiện tại, người bệnh tỉnh táo, có thể sinh hoạt như người bình thường, thang điểm hôn mê Glasgow đạt 15 điểm.

Trước đó, tối 22/5, nam bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp Cứu bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn do điện giật, ngã xuống nước.

Bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, da niêm mạc tím tái, đồng tử 2 bên giãn to không đáp ứng ánh sáng.

Sau đó, bệnh nhân được tiến hành hồi sức tim phổi, gồm: ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy qua mặt nạ, đặt nội khí quản, sốc điện, dùng thuốc vận mạch, thở máy.

Hơn 25 phút sau, bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, khí máu động mạch, X-quang phổi tại giường.

[Cứu sống bệnh nhân hai lần ngưng tim do vỡ túi phình mạch máu não]

Sau cấp cứu, bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Trung ương Huế) theo dõi, điều trị tiếp và rút nội khí quản.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết khi tim ngưng đập, việc thiếu oxy có thể gây tổn thương não vĩnh viễn từ phút thứ 8 đến phút thứ 10.

Ngưng tim ngoài viện là một thách thức của ngành Y tế. Tỷ lệ sống sót của người bệnh phụ thuộc lớn vào việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở tại chỗ, đảm bảo khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật.

Theo số liệu khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) năm 2008, tỷ lệ sống còn ngưng tim ngoại viện là 0%.

Khi gặp nạn nhân bị tai nạn như điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương…người tiếp xúc với nạn nhân cần phát hiện người bệnh có bị ngừng tuần hoàn không. Nếu phát hiện người bệnh bất tỉnh, không thở... cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong lúc chờ nhân viên y tế, người tiếp xúc nạn nhân cần tiến hành ép tim, hô hấp nhân tạo theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân có cơ may sống sót cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục