Đà Nẵng: Ngăn chặn người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách

Hiện nay, tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách xuất hiện trở lại tại một số khu vực ở Đà Nẵng vào thời gian diễn ra các ngày lễ lớn.
Đà Nẵng: Ngăn chặn người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách ảnh 1Du khách Pháp đi xích lô tham quan thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trước tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách xuất hiện trở lại tại một số khu vực quy định cấm vào thời gian diễn ra các ngày lễ lớn, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện phối hợp với các ngành chức năng và Ban Tôn giáo thành phố tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng này trước hết trong dịp nghỉ lễ sắp tới.

Cụ thể, các đơn vị tổ chức ra quân tuyên truyền, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý các đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách tại các khu vực quy định cấm, khu danh lam thắng cảnh có đông khách du lịch, các chùa, nơi thờ tự...; xử lý kịp thời các trường hợp giả danh thầy tu, nhà sư đi khất thực, lợi dụng các hoạt động của lễ Vu Lan để xin ăn.

Bên cạnh đó, các đơn vị hướng dẫn các chùa, các nơi thờ tự, nhà hảo tâm có nguyện vọng phát chẩn, tặng quà cho các đối tượng xã hội phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, chính quyền địa phương đến tận gia đình hoặc mời đến địa điểm thuận lợi để trao tặng quà, tránh tình trạng huy động đối tượng xã hội tập trung tại các địa điểm làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Đồng thời, các đơn vị vận động các chùa cam kết không để xảy ra tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách tại nơi thờ tự; các đạo hữu không cho tiền người lang thang xin ăn và không mua hàng rong tại nơi hành lễ.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Hội Người mù, Hội Người khuyết tật thành phố vận động hội viên không bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách, kết hợp với xin ăn tại các khu vực chùa, tuyến đường cấm.

[Khai mạc chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa Hè 2018]

Cùng với đó, thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) phối hợp với các địa phương tuyên truyền, ra quân kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các nơi tổ chức lễ và các khu vực tuyến đường trọng điểm kịp thời báo cáo về Ủy ban Nhân dân thành phố.

Thời gian qua, trước thực trạng thiếu ý thức của một số người dân đối với các công trình tranh, tượng nơi công cộng, cụ thể như vẽ bậy, bôi bẩn lên các bức tranh tại hầm đi bộ cầu Rồng diễn ra thường xuyên, gây phản cảm cho cộng đồng và du khách, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp giữ gìn và phát huy giá trị bộ tranh tại hầm đi bộ cầu Rồng cũng như toàn bộ hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng nơi công cộng trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm chính về mặt nội dung các tác phẩm mỹ thuật đường phố tại khu vực khuôn viên gầm cầu phía Đông (quận Sơn Trà) và hầm đi bộ chân cầu phía Tây cầu Rồng (quận Hải Châu); phân công người thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm bắt hiện trạng của các bức tranh và có phương án khắc phục, xử lý khi có tình trạng xâm hại, đồng thời, phối hợp với Công ty Quản lý cầu đường, Ủy ban Nhân dân các quận Hải Châu, Sơn Trà để có phương án bảo vệ các tác phẩm mỹ thuật tại khu vực cầu Rồng.

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tuyên truyền, kêu gọi mọi người có ý thức giữ gìn tác phẩm mỹ thuật nơi công cộng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tranh, tượng hoành tráng nơi công cộng trên địa bàn thành phố; chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố các vấn đề liên quan theo quy định./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục