Đặc trưng, giải pháp trọng tâm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

Nghị quyết Trung ương 6 lần này khẳng định rõ 8 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đây là một trong những điểm mới, nổi bật của Nghị quyết.
Đặc trưng, giải pháp trọng tâm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ảnh 1Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 5/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới."

Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành thời gian thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã tập trung phân tích các nội dung của Nghị quyết như những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực trạng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quan điểm-mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

8 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Nghị quyết Trung ương 6 lần này khẳng định rõ 8 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những điểm mới, nổi bật của Nghị quyết.

Nghị quyết khẳng định nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. "Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam," Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Đặc trưng thứ hai của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết đây là nội dung nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

Đặc trưng thứ ba là quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là giá trị cao cả của xã hội.

Đặc trưng thứ tư là nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc trưng, giải pháp trọng tâm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ảnh 2Ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đặc trưng thứ năm là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đặc trưng thứ sáu là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.

Đặc trưng thứ bảy là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đặc trưng thứ tám là tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nhà nước đã ký kết hoặc gia nhập, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế.

5 nhóm kết quả nổi bật

Nhấn mạnh công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ 5 nhóm kết quả nổi bật đạt được.

Thứ nhất, nhận thức, lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn.

[Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW 6]

Thứ hai, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực.

Thứ ba, việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao. Hoạt động của Chính phủ chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, kiến tạo phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực. Tổ chức bộ máy của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng được nâng lên.

Thứ tư, quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được đổi mới.

Thứ năm, mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ," góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc trưng, giải pháp trọng tâm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đạt được những kết quả nổi bật trên, theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu là Đảng đã nhạy bén nắm bắt yêu cầu phát triển đất nước, tổ chức tổng kết lý luận và thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, kịp thời đề ra chủ trương, quan điểm nhất quán và ngày càng hoàn thiện. Các cơ quan nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan điểm, chủ trương của Đảng được nhân dân đón nhận, ủng hộ, tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết Trung ương 6 đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian qua, như một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

3 trọng tâm chiến lược

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết Nghị quyết Trung ương 6 nêu rõ 3 trọng tâm mang tính chiến lược đến năm 2030.

Cụ thể, trọng tâm thứ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

Trọng tâm thứ hai là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trọng tâm thứ ba là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật./.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.” (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.” (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TXVN)
Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TXVN)
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII chuyên đề 1 "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. (Ảnh: Phương Hoa/TXVN)
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII chuyên đề 1 "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. (Ảnh: Phương Hoa/TXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục