Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cần có cơ quan chống tham nhũng độc lập

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ​cần thành lập cơ quan điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an đồng thời được toàn quyền trong việc điều tra và giám sát các cán bộ cấp cao.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cần có cơ quan chống tham nhũng độc lập ảnh 1Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) đang trao đổi với báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng nhưng theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn đạt hiệu quả thấp, nhất là các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, nộp lại quà tặng…

Bên lề Kỳ họp thứ 10 diễn ra sáng nay (28/10), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Trưởng đoàn quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi với phóng viên một số nét nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng như các giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này.

- Thưa ông, ​đâu là nguyên nhân làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả cao, đặc biệt qua các báo cáo của ngành nội chính cũng thấy rất rõ, đó là tình hình tham nhũng không giảm nhưng số lượng các vụ tham nhũng bị phát hiện lại giảm đi, điều đó chứng tỏ công tác điều tra, khám phá tội phạm tham nhũng không đáp ứng được yêu cầu.

Để có thể giải quyết được tình trạng tham nhũng này theo tôi cần nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung hoàn thiện luật phòng, chống tham nhũng để đảm bảo cán bộ không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và nếu có hành vi tham nhũng sẽ cảm thấy xấu hổ...

- Một trong những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng là việc kê khai tài sản, theo ông việc làm này đã thực hiện tốt chưa?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi việc kê khai tài sản đã có quy định nhưng còn chưa chặt chẽ, do vậy trong Luật Hình sự sửa đổi lần này cần làm rõ việc kê khai tài sản cũng như cách triển khai như thế nào cho đúng.

Thí dụ trước đây luật chỉ quy định tài sản của con ​cán bộ thành niên thì không phải kê khai. Thực chất cán bộ không ai có nhiều tài sản vì con cái đứng tên hết rồi, chính vì vậy phải sửa lại điều luật này.

Một điểm nữa tôi cũng không đồng tình, đó là quy định hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ sẽ phải chịu mức án như nhau, bởi lẽ quy định như vậy việc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không hiệu quả. Do vậy cần phải có chế tài giảm nhẹ hình phạt cũng như khuyến khích để người dân có thể tố cáo tội phạm tham nhũng.

Một vấn đề rất khó nữa đó là quản lý việc chi tiêu trong xã hội. Kinh nghiệm ở các nước việc kiểm soát chi tiêu rất kỹ, nếu có "tiền bẩn" sẽ không sử dụng được hoặc đối với những khoản chi tiêu lớn sẽ phải kê khai nguồn tiền đó ở đâu? Nếu chứng minh không được thì tịch thu. Do vậy, để tăng cường công tác chống tham nhũng, cần có hướng để thực hiện việc chi tiêu, trả lương thông qua tài khoản, giảm việc sử dụng tiền mặt.

- Có nhiều vụ việc tham nhũng chỉ được phát hiện từ các cơ quan của nước ngoài, vậy ​luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Câu hỏi đặt ra là vì sao các vụ tham nhũng của Việt Nam lại được phát hiện thông qua các cơ quan của nước ngoài? Theo tôi, việc giao dịch ở nước ngoài đều thông qua các tài khoản ngân hàng nên việc quản lý và phát hiện tội phạm rất dễ.

Việc chuyển qua tài khoản như vậy, nếu lúc này chưa phát hiện thì lúc khác sẽ bị phát hiện, nhưng ở Việt Nam, do vấn đề sử dụng tiền mặt còn phổ biến nên việc xử lý còn khó khăn. Do vậy cần quy định lại và có hình thức hợp lý nhằm giảm chi tiêu bằng tiền mặt, thực hiện tốt việc quản lý chi tiêu qua tài khoản ngân hàng thì mới nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng theo tôi cần thành lập cơ quan điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an hiện nay và ​chỉ thành lập ở cấp Trung ương ​đồng thời trao cho các cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra ​các cán bộ cấp cao khi có những dấu hiệu vi phạm, còn những cán bộ khác vẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan công an.

- Ông có kiến nghị gì về ​việc sửa đổi Luật Hình sự ​nhằm nâng cao hiệu quả chống tham nhũng?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Việc sửa đổi bộ luật hình sự theo quan điểm chung là giảm bớt hình phạt tử hình, tăng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, cần xem lại tội danh "đòi hối lộ," bởi lẽ nếu chuyển sang tội danh ​này chắc không bao giờ xử được cán bộ vì từ trước đến nay không ai đòi hối lộ cả, mà thực chất chỉ có việc gây khó khăn trong xử lý công việc để nhận hối lộ và phát sinh tiêu cực mà thôi.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo báo cáo của Ủy ban tư pháp Quốc hội, sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng được sát nhập vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã tiến hành điều tra 23 vụ án với 81 bị can, kết thúc điều tra 12 vụ với 50 bị can đạt 52% số vụ; Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố, điều tra 13 vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, công tác chống tham nhũng của các đơn vị chuyên trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giải quyết án tham nhũng của các cơ quan tư pháp trung ương còn thấp (ở Cơ quan điều tra Bộ Công an đạt 45,8%; Viện kiểm sát tối cao đạt 64,3% và do Viện kiểm sát tối cao ủy quyền công tố đạt 46,2%).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục