Đại biểu QH thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia

Chiều 24/10, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 24/10, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

Các đại biểu đều tán thành với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý luật dự án Luật Dự trữ quốc gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng dự án Luật Dự trữ quốc gia đã được xây dựng, hoàn thiện nằm trong khuôn khổ pháp lý của hoạt động dự trữ quốc gia, yêu cầu phát triển quốc gia trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn dự trữ quốc gia bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hồ sơ dự án Luật, thể hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu nghiêm túc.

Xung quanh tên gọi của dự án Luật, đa số các đại biểu nhất trí với tên gọi của dự án Luật là Luật Dự trữ quốc gia.

Theo đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk), vấn đề dự trữ quốc gia không chỉ Nhà nước mà còn có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lại cho rằng nên đổi tên Luật thành Luật Dự trữ Nhà nước theo đúng bản chất được quy định trong Luật vì định nghĩa dự trữ quốc gia được quy định trong dự thảo Luật theo bản chất là dự trữ của Nhà nước, do Nhà nước nắm giữ và quản lý, không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng cần nghiên cứu lại tên gọi của dự án Luật. Đại biểu phân tích rằng "Quốc gia" và "Nhà nước" là hai khái niệm khác nhau. Mặt khác, trong dự thảo quy định là dự trữ Nhà nước, không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Nếu để tên gọi là Luật Dự trữ quốc gia cần bổ sung thêm quy định sự tham gia của các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân...

Về mục tiêu dự trữ quốc gia, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) tán thành với việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thu hẹp mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm "chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước."

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia cũng như nguồn lực của dự trữ quốc gia hiện nay, đồng thời tránh được sự dàn trải.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại cho rằng về thực tiễn, chúng ta đã có thời gian thực hiện Pháp lệnh quốc gia về dự trữ quốc gia. Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, dự trữ quốc gia đã tham gia tốt vào việc bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, dự trữ quốc gia là một trong những công cụ tài chính nên việc tham gia của dự trữ quốc gia vào bình ổn thị trường đã được quy định.

Đại biểu Trần Văn Minh chỉ ra rằng mặc dù trong mục đích không quy định về mục tiêu bình ổn thị trường của dự trữ quốc gia nhưng một số điều khoản của dự án luật vẫn nhắc đến cụm từ này (Điều 32: Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đại biểu đề nghị bổ sung trở lại nội dung "tham gia bình ổn thị trường" vào dự án luật. Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) lại cho rằng không cần thiết phải có điều khoản quy định về mục tiêu của DTQG trong Luật, có thể lồng ghép nội dung về mục tiêu vào các điều khoản khác.

Tán thành với quy định về chế độ chính sách đối với công chức, viên chức dự trữ quốc gia như dự thảo Luật: “người làm công tác dự trữ quốc gia được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực nghề, công việc đảm nhiệm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề,” đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chỉ ra rằng hoạt động của cán bộ làm công tác dự trữ quốc gia là nghề đặc thù, rất vất vả. Các kho dự trữ quốc gia hầu hết được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa dân cư vì vậy việc giao lưu của các cán bộ này rất khó khăn, kinh tế chỉ trông vào "đồng lương."

Hơn nữa, cán bộ dự trữ quốc gia không chỉ làm nhiệm vụ thủ kho mà còn làm nhân viên kỹ thuật, bảo vệ... với thời gian làm việc 12-15 tiếng/ngày, thậm chí là 24/24 giờ trong đợt mưa bão.

Đại biểu Phạm Xuân Trường cho rằng cán bộ dự trữ quốc gia là nghề đặc thù, cần được quan tâm như dự thảo Luật quy định.

Trái với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Tâm (Tây Ninh) cho rằng những người làm công tác dự trữ quốc gia, có những người chuyên làm về quản lý hành chính nhà nước và những người tham gia trực tiếp quản lý. Trong quản lý điều hành dự trữ quốc gia, có lực lượng vũ trang, đội ngũ viên chức hành chính và những người làm nhiệm vụ quản lý kho dự trữ quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tâm phân tíc lực lượng vũ trang có nhiệm vụ "sẵn sàng chiến đấu" và trong thực tiễn, các chế độ, chính sách dành cho lực lượng vũ trang đều đã có những quy định riêng để thực hiện, còn những người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý các kho dự trữ quốc gia chỉ khi có yêu cầu mới thực hiện nhiệm vụ. Những cán bộ quản lý hành chính chỉ làm nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy không nên có quy định riêng ưu đãi hơn so với các cán bộ công chức trong lĩnh vực khác.

Đồng tình với đại biểu Tâm, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng chỉ nên có quy định đối với người làm dự trữ quốc gia đối với hàng hóa đặc biệt, có tính nguy hiểm cao và không có chế độ đãi ngộ.

Các đại biểu cùng dành nhiều thời gian thảo luận về tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia; danh mục hàng dự trữ quốc gia; tổng mức dự trữ quốc gia; nguyên tắc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; danh mục hàng dự trữ quốc gia.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục