Đại biểu Quốc hội: Không còn lo lắng việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình"

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), công cuộc phòng chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không còn lo lắng việc “diệt chuột sợ làm vỡ bình."
Đại biểu Quốc hội: Không còn lo lắng việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình" ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến phát biểu. (nh: Dương Giang/TTXVN)

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các đại biểu khá quan tâm đến công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được đẩy mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng phòng, chống tham nhũng là một trong nhiều giải pháp tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

Cử tri tin tưởng

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), công cuộc phòng chống tham nhũng trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo chấp hành quy định của pháp luật đồng bộ giữa các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng đã gạt bỏ những lực cản của sự phát triển.

Sự phát triển vững mạnh của đất nước đã minh chứng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ, tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển, không còn lo lắng việc “diệt chuột sợ làm vỡ bình."

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết cử tri, nhân dân phấn chấn, tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, với thái độ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy Đảng, bộ máy của hệ thống chính trị.

"Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm và có kết quả như hiện nay," đại biểu bày tỏ.

Còn nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn về vấn đề tiết kiệm và chống lãng phí.

“Việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vẫn được làm đều đặn, thường xuyên nhưng các cơ chế chính sách, chế độ tiêu chuẩn, định mức, phương pháp quản lý chưa có sự thay đổi căn bản thì xem ra việc chống lãng phí vẫn phần nhiều chỉ ở bề nổi," đại biểu nói.

Làm rõ hơn, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho hay, quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn.

[Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ không theo mô hình truyền thống]

Tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Triển khai dự án chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư xảy ra ở nhiều nơi. Quản lý trụ sở, mua sắm tài sản, chi ngân sách nhà nước tại các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều vi phạm. Trong điều kiện dư địa tăng trưởng kinh tế dần bị thu hẹp như hiện nay, việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản vào các nguồn lực khác của Nhà nước phải là nhiệm vụ cấp thiết và có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến thực chất.

Chung sự băn khoăn, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí có những chuyển biến tích cực như việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, siết lại kỷ luật tài chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước.

Có những quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chương trình của Chính phủ đề ra đã không thực hiện được một cách đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở một số ngành, một số địa phương, cơ quan, đơn vị như mong đợi, làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đơn cử như có 6/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Đến tháng 4/2018, có 16/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của đơn vị mình để tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Điều đó cho thấy việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã không được thực hiện nghiêm túc, đại biểu này khẳng định.

Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng cho rằng việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước các mức độ khác nhau ở các cơ quan quản lý sử dụng tài chính, ngân sách khác nhau.

Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia và gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân. Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bị vi phạm, ở một số nơi có biểu hiện thách thức pháp luật và có sự tiếp tay của người có trách nhiệm bảo vệ rừng, gây thất thoát tài nguyên và lãng phí nhiều nguồn lực để khắc phục.

Đại biểu kiến nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xem xét kết luận việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm chấn chỉnh và xử lý cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện.

"Tôi thấy thực hiện tốt giải pháp này vừa bảo đảm nâng cao kỷ cương, kỷ luật, vừa giảm việc bổ sung thêm củi vào lò đang nóng từ những vi phạm trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí," đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Ông đề nghị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian lao động ở khu vực nhà nước, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; siết chặt công tác quản lý tài sản công, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, ngăn chặn có hiệu quả việc cố tình làm trái quy định của pháp luật hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai, ngân sách của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng và cấp bách, thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước để chảy vào túi một số cá nhân, tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết.

Cũng như vậy, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị giám sát việc thu chi ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, lãng phí tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm, việc bao che tiếp tay lợi ích nhóm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục