Đằng sau việc Triều Tiên ồ ạt phóng tên lửa trong tháng Ba

Hầu hết các tên lửa được thử nghiệm đều là tầm ngắn, và ít nhất theo tuyên bố của truyền thông nhà nước Triều Tiên, chúng không đảm nhận một vai trò hạt nhân rõ ràng.
Đằng sau việc Triều Tiên ồ ạt phóng tên lửa trong tháng Ba ảnh 1Cuộc thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn của Triều Tiên ngày 29/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin tháng 3/2020 thực sự là một tháng đáng chú ý liên quan đến hoạt động tên lửa của Triều Tiên.

Trong lịch sử nước này, tháng Ba thường là tháng Triều Tiên phóng tên lửa nhiều nhất.

Tuy nhiên, hầu hết các tên lửa được thử nghiệm đều là tầm ngắn, và ít nhất theo tuyên bố của truyền thông nhà nước Triều Tiên, chúng không đảm nhận một vai trò hạt nhân rõ ràng (Triều Tiên gọi hầu hết các hệ thống này là vũ khí “chiến thuật”). Chín trong tổng số các vụ phóng diễn ra trong 4 sự kiện khác nhau.

Đầu tiên, ngày 2/3, hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN25 đã được phóng từ Sangum-ri ở tỉnh Kangwon.

[Máy bay Mỹ làm nhiệm vụ ngay sau khi Triều Tiên bắn nhiều vật thể]

Các vụ phóng này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2019 và lần đầu tiên kể từ khi Triều Tiên “tự phong tỏa” trong bối cảnh lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bắt đầu ở Trung Quốc, đồng thời mô tả dịch bệnh này là mối đe dọa đối với “sự tồn vong của quốc gia.”

Thứ hai, ngày 8/3, ba tên lửa KN25 đã được phóng từ Sondok ở tỉnh Hamgyong Nam.

Các vụ thử này diễn ra cùng với các vụ phóng của hệ thống phóng tên lửa đa nhiệm (MLRS) và pháo nòng cỡ nhỏ.

Thứ ba, ngày 20/3, một đợt phóng khác đã diễn ra, lần này là tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN24, có hình dạng bên ngoài - ít nhất là trong bệ phóng và hình dạng của nó - tương tự với Hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 (ATACMS) của Quân đội Mỹ.

Những tên lửa này được bắn tại một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên từ Sunchon ở tỉnh Pyongan Bắc.

Vụ thử cuối cùng trong tháng Ba diễn ra vào ngày 28/3, với hai quả tên lửa KN25 cuối cùng được phóng từ bán đảo Hodo gần thành phố biển Wonsan.

Những tên lửa này đã được phóng xuống Biển Hoa Đông. Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Triều Tiên một lần nữa cho thấy cuộc tấn công nhằm vào một mục tiêu trên đảo.

Điều gì giải thích cho tốc độ phóng tên lửa nhanh chóng của Triều Tiên?

Thứ nhất, ngoài vụ phóng tên lửa KN24, hệ thống tên lửa KN25 dường như đang trải qua giai đoạn thử nghiệm vận hành nhanh chóng, trái ngược với thử nghiệm phát triển.

Nói cách khác, Triều Tiên muốn các binh sỹ làm quen với việc vận hành các hệ thống này thông qua các sự kiện có thể được mô tả là các cuộc tập trận quân sự, chứ không phải là các "vụ thử."

Thứ hai, trong kỷ nguyên Kim Jong-un - và ngay cả dưới thời cha của ông này - tháng Ba là tháng bận rộn đối với các hoạt động quân sự của Triều Tiên, bao gồm cả thử tên lửa.

Thông thường, đây sẽ là cơ hội của Triều Tiên để tạo ra một cú “ăn miếng trả miếng” khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động các cuộc tập trận mùa xuân của họ (Giải pháp then chốt và Đại bàng non).

Lần này, các cuộc tập trận diễn ra mà không có đối tác ở phía nam khu phi quân sự, nhưng bản thân thời gian không phải là bất thường.

Thứ ba, và một biến số mới trong năm nay, một loạt vụ phóng nhanh chóng có thể được thiết kế để củng cố tinh thần của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19.

Trong các bình luận gần đây trên phương tiện truyền thông, Tướng Robert F. Abrams - Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc - đã nhận xét rằng vào tháng 1 và tháng 2/2020, quân đội Triều Tiên về cơ bản đã bị cách ly trong khoảng 30 ngày.

Đối với một lực lượng như KPA, vốn quen với chế độ luyện tập đều đặn, việc tạm dừng như vậy là rất bất thường và có thể cần một khoảng thời gian tập luyện tăng cường sau đó.

Không chỉ các sự kiện phóng tên lửa ở trên diễn ra, mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã giám sát 2 cuộc thi pháo binh.

Mục đích của việc củng cố tinh thần cho binh sỹ Triều Tiên cũng có thể liên quan đến thông điệp hồi tháng 12/2019 mà Kim đã gửi đến các đảng viên cấp cao tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương khóa 7, Đảng Lao động Triều Tiên, khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tự lực quốc phòng và đề ra một đường lối cứng rắn, trong đó bao gồm một con đường chấm dứt đàm phán với Mỹ.

Trong thời gian tới, chúng ta có thể thấy Bình Nhưỡng tiếp tục mục tiêu này - đặc biệt là khi COVID-19 ngày càng trở nên tồi tệ ở Mỹ.

Đáng chú ý, lần đầu tiên truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng một cuộc họp báo của Nhà Trắng về COVID-19 - có lẽ là để nhấn mạnh rằng ngay cả nước Mỹ cũng đang phải vật lộn với virus.

Nếu Bình Nhưỡng muốn tạo ra một bức tranh tương phản (với Mỹ) trong những tuần và tháng tới, có lẽ họ sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự để chứng tỏ rằng ở Triều Tiên, mọi việc vẫn ổn và diễn ra bình thường, dù trên thực tế không phải như vậy./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục