Đến 2015 VN giảm 50% số bệnh nhân mắc bệnh lao

Đến 2015, Việt Nam sẽ giảm 50% số bệnh nhân mắc bệnh lao so với ước tính năm 2000, và tầm nhìn đến 2030 sẽ thanh toán bệnh lao.
Đến năm 2015, Việt Nam sẽ giảm 50% số bệnh nhân mắc bệnh lao so với ước tính năm 2000, đồng thời khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ thanh toán bệnh lao.

Đây là mục tiêu tổng quát phòng chống lao tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn năm 2030 được thông báo tại hội thảo “Trao đổi thông tin về bệnh lao giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ quan truyền thông khu vực miền Nam.”

Hội thảo do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình phòng chống lao Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 22/11.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết vẫn còn những khó khăn và thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đề ra như thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao do nguy cơ lây nhiễm cao và do thu nhập thấp; gần 50% số cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo; không quản lý được thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường; người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh không cần thầy thuốc…

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ cho rằng cần đặt công tác chống lao là ưu tiên trong kế hoạch phát triển xã hội; tăng cường công tác phát hiện và quản lý ca bệnh; đầu tư mạnh mẽ, nâng cao năng lực cho công tác chống lao; đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế phòng chống lao; xây dựng cơ sở chống lao có chất lượng.

Đặc biệt, cần ưu tiên công tác chống lao vùng sâu, vùng xa và có cơ chế hỗ trợ tài chính để thu hút nhân lực.

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Mỗi năm ước tính có khoảng 180.000 bệnh nhân mắc bệnh lao mới và 32.000 ca tử vong do bệnh lao.

Hiện cách phòng ngừa bệnh lao chủ yếu bằng các biện pháp: phát hiện sớm người mắc bệnh lao và chữa cho khỏi để cắt đứt nguồn lây; tiêm phòng vắcxin BCG cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 1 tuổi; gìn giữ sức khỏe không để suy dinh dưỡng, không để bị nhiễm HIV; giữ vệ sinh môi trường, nhà ở phải thông thoáng, đủ ánh sáng; bệnh nhân lao cần khạc đờm vào mảnh giấy hoặc cốc giấy có nắp đậy rồi đốt đi, thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân./.

Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục