Dịch COVID-19: TP.HCM tăng cường bảo vệ các nhóm nguy cơ cao

Liên quan đến chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành Y tế đã lấy hơn 17.000 mẫu xét nghiệm trong 1 tuần triển khai chiến dịch này.
Dịch COVID-19: TP.HCM tăng cường bảo vệ các nhóm nguy cơ cao ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngành Y tế cần thực hiện ngay hoạt động xây dựng, triển khai các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp huyện và sẵn sàng kích hoạt, đưa vào hoạt động ngay khi có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại cuộc họp định kỳ thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 16/12.

Tăng cường bảo vệ các nhóm nguy cơ cao

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, từ tháng 10 đến nay, khi thành phố mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, số ca F0 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng trở lại. Tỷ lệ người già mắc bệnh và trở nặng, tử vong tăng lên khiến áp lực đè lên ngành Y tế. Cùng thời điểm đó, Thành phố bước vào cao điểm chống dịch, hầu hết bệnh viện trên địa bàn ngừng tiếp nhận bệnh nhân để tập trung phòng, chống dịch.

Hiện, các bệnh viện đã được trả lại công năng, vừa chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa thăm khám, điều trị các bệnh lý khác. Vì vậy, mỗi bệnh viện, bác sỹ phải chia sẻ rất nhiều công việc. Theo tính toán về số F0 đang nhập viện, thành phố ước tính cần bổ sung 3.000 bác sỹ, điều dưỡng.

Liên quan đến chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho biết, ngành Y tế đã lấy hơn 17.000 mẫu xét nghiệm trong 1 tuần triển khai chiến dịch này. Kết quả tầm soát phát hiện 187 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Với các trường hợp dương tính, ngành Y tế có hai biện pháp xử lý: Thăm khám, phát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp muốn điều trị tại nhà; bố trí điều trị tại tầng 2 và 3 với các trường hợp muốn nhập viện.

Tại cuộc họp, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, sau một tuần triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, ngành Y tế vẫn đang trong quá trình rà soát, xét nghiệm, tiêm vaccine, tư vấn và can thiệp.

Hiện, toàn ngành ghi nhận 173.500 người ở Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ, trong đó, 140.000 người có bệnh lý nền, còn lại là người trên 65 tuổi. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung.

Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường, giám sát hoạt động cửa khẩu hàng không, hàng hải, người nhập cảnh qua Thành phố Hồ Chí Minh phải cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm.

Qua giải trình tự gen, ngành Y tế ghi nhận 45 mẫu dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, 28 mẫu chủng Delta, số còn lại chưa có kết quả. Hiện, thành phố chưa ghi nhận người nhiễm chủng Omicron.

[TP.HCM nỗ lực hoàn thành hỗ trợ người bị ảnh hưởng COVID-19 trước Tết]

Tính đến 18 giờ ngày 15/12, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 490.000 ca mắc COVID-19; hơn 11.500 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, ngành Y tế ghi nhận hơn 1.065 bệnh nhân nhập viện và 1.011 bệnh nhân xuất viện, 65 trường hợp tử vong. Tổng số mũi vaccine trên địa bàn được triển khai đến nay là hơn 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2. Số mũi tiêm bổ sung tính đến 15/12 là 10.025, mũi nhắc lại là 23.438.

Theo đánh giá của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau 2 tháng mở cửa trở lại, Thành phố vẫn duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp. Tuy nhiên, địa bàn vẫn là nơi có số lượng F0 mới và ca tử vong cao nhất nước. Trong đó, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus.

Triển khai nhiều gói an sinh cho công nhân, người lao động

Liên quan đến tình hình lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, sau thời gian giãn cách, tất cả các doanh nghiệp đều tăng tốc trở lại để hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh tốc độ sản xuất để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022 của Thành phố và cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nhu cầu lao động trên địa bàn hiện nay là 30.000 người, tập trung ở các ngành như may mặc, ngành giày, điện tử, lương thực thực phẩm... trong đó, nhu cầu về lao động có tay nghề chiếm khoảng 40% trên tổng số lao động cần. Bên cạnh đó, lực lượng lao động của thành phố bao gồm người lao động địa phương và lao động ở các tỉnh khác trên cả nước.

Dịch COVID-19: TP.HCM tăng cường bảo vệ các nhóm nguy cơ cao ảnh 2(Ảnh: Vietnam+)

Dịp Tết Nguyên đán 2022, đa số lực lượng này sẽ về quê, dẫn đến biến động trong các doanh nghiệp. Do đó, vào thời điểm sau Tết, số lao động cần tuyển mới tăng lên khoảng 70.000-75.000 để bù vào số người chưa trở lại doanh nghiệp, trong đó lao động có tay nghề chiếm khoảng 36%.

Về chính sách hỗ trợ lao động trong dịp Tết, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, Thành phố đã triển khai tổ chức nhiều gói an sinh xã hội cho công nhân, người lao động. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết của Chính phủ để hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề liên quan đến trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, Sở cũng đã có văn bản triển khai đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn về việc báo cáo dự kiến trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết 2022.

"Chúng tôi sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và các đoàn thể khác để chăm lo cho các công nhân khó khăn, công nhân xa nhà chưa có điều kiện về quê ăn Tết để người dân yên tâm đón Tết tại Thành phố," ông Nguyễn Văn Lâm nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục