Điểm lại hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp BOT giao thông

Theo báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố, nhiều doanh nghiệp BOT có kết quả khá ảm đạm nhưng vẫn có một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực.
Điểm lại hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp BOT giao thông ảnh 1Phương tiện lưu thông qua một trạm thu phí BOT. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã khiến doanh thu tại các trạm BOT sụt giảm, qua đó cũng làm bức tranh kinh doanh quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp BOT không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, trong số này vẫn ghi nhận các doanh nghiệp như Đèo Cả, Đạt Phương có kết quả kinh doanh tích cực.

Theo báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố, nhiều doanh nghiệp BOT có kết quả khá ảm đạm, điển hình là Công ty cổ phần Tasco ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, lỗ lũy kế lên tới 53 tỷ đồng; trong đó, riêng quý 3/2021, Tasco lỗ 72,8 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, Tasco được xem là ông trùm BOT với các dự BOT khắp nơi. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty gần đây đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do tác động từ hình thức đầu tư BOT, bao gồm những bất cập về chính sách và yếu tố khách quan của dịch bệnh.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, Tasco tiếp tục thống nhất định hướng tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động chính vào lĩnh vực hạ tầng thiết yếu như giao thông, thu phí tự động không dừng, y tế...

Chung cảnh ngộ với Tasco, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng sủa trong quý 3 với doanh thu đạt 258 tỷ đồng, giảm 1.563 tỷ đồng so với cùng kỳ.

CII hoạt động chính tại khu vực miền Nam. Việc tạm ngừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng IDICO cũng ghi nhận quý lỗ đầu tiên do phải tạm dừng thu phí bởi dịch COVID-19. Cụ thể, doanh thu trong quý 3 của đơn vị này giảm mạnh 80% xuống mức 18,8 tỷ đồng.

Mặc dù IDICO đã chủ động tiết giảm hàng loạt chi phí nhưng doanh thu giảm sâu khiến doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lãi gần 15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, con số 11 là số quý báo lỗ liên tiếp của Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lưu lượng xe giảm đáng kể, do đó doanh thu giảm mạnh. Thêm vào đó, gánh nặng trả lãi vay khiến BOT lỗ tiếp 23,8 tỷ đồng trong quý 3/2021, hầu như không thay đổi so với số lỗ 24 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2020..

Tính chung 9 tháng năm 2021, BOT Cầu Thái Hà lỗ 74,7 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với số lỗ 70,5 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2021 đã lên đến gần 268 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc kết quả kinh doanh không tốt là do việc tạm dừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản do dịch COVID-19.

Mặt dù vậy, trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp hạ tầng trên vẫn có một vài doanh nghiệp làm ăn khá tốt; trong số này có Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV).

Cụ thể, doanh thu quý 3 của HHV tăng 53%, đạt 452 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nguồn thu từ hoạt động xây lắp và vận hành các trạm thu phí ở miền Bắc và miền Trung nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh COVID-19.

Mặt khác, doanh thu tài chính của HHV tăng mạnh đến từ khoản cổ tức, lợi nhuận được chia, cùng việc chi phí được tiết giảm đáng kể giúp HHV báo lãi sau thuế hơn 83 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ.

Theo HHV, tiến độ thi công tại các công trường dự án được duy trì ổn định, không bị gián đoạn, công tác thi công xây lắp triển khai đúng tiến độ cam kết là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi bất chấp dịch COVID-19.

Mới đây, tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra đầu tuần, HHV quyết định tăng vốn điều lệ năm 2022 lên 5.347 tỷ đồng, gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, công ty cũng nâng kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 lên 2.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế lên 283 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 76% so với kế hoạch ban đầu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HHV đang giao dịch mức 20.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 4/11). Tuy cổ phiếu này chưa có sự bứt phá về thị giá nhưng cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý bởi thanh khoản tăng cao đột biến trong thời gian gần đây.

Khối lượng giao dịch của HHV trung bình trong 10 phiên của HHV lên đến 8,7 triệu đơn vị, trong khi trong nửa đầu năm nay mã cổ phiếu này hầu như không có giao dịch.

Trong khi đó quý 3/2021 của Công ty cổ phần Đạt Phương ghi nhận hơn 548 tỷ đồng doanh thu, tăng 37%, trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 301 tỷ đồng, tăng 29%.

Tuy nhiên, hai mảng tăng trưởng nhiều nhất trong kỳ này là đầu tư bất động sản và bán điện với mức tăng lần lượt 50% và 42%, lên hơn 195 tỷ và gần 51 tỷ đồng. Kết thúc quý 3, Đạt Phương lãi sau thuế hơn 71 tỷ, gấp 26 lần con số cùng kỳ.

[Từ 12 giờ ngày 2/10, thu phí trở lại các trạm BOT trên địa bàn TP.HCM]

Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác quý 3/2021.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay trong quý 3, có 54 dự án đang thu phí hoàn vốn với tổng số thu 1.732 tỷ đồng với số thu tháng 7 là hơn 727 tỷ đồng, tháng 8 là hơn 431 tỷ đồng và tháng 9 là 573 tỷ đồng. Lũy kế số thu năm 2021 là 8.211 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thời gian qua, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT... đề nghị tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

Việc tạm dừng thu phí nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tạm dừng thu phí tại các trạm trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ; trong đó có việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thuận tiện, lợi ích, văn minh, tiết kiệm. Tuy nhiên, đến nay, công việc này chưa đạt yêu cầu đề ra.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần quyết liệt hơn nữa, khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đối với các trạm thu phí còn lại; từ nay đến hết tháng 11, hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay trong quý 1/2022, tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại một làn thu phí có dừng (thu thủ công); tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục