Du lịch trực tuyến và cuộc ‘dấn thân’ của các doanh nghiệp Việt

Khách du lịch trong nước và quốc tế hiện có xu hướng sử dụng thanh toán, mua bán và tương tác trong môi trường số ngày càng tăng, và đây được ví như “mỏ vàng” cho ngành du lịch tăng trưởng đột phá.
Du lịch trực tuyến và cuộc ‘dấn thân’ của các doanh nghiệp Việt ảnh 1Gian hàng của một trang du lịch trực tuyến tại Hội chợ Du lịch quốc tế lần thứ 6 - VITM Hà Nội 2018 vừa diễn ra cuối tuần qua. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế sử dụng thanh toán, mua bán và tương tác trong môi trường số ngày càng tăng và đây được ví như “mỏ vàng,” là một trong những giải pháp góp phần giúp cho ngành du lịch tăng trưởng đột phá.

Ở Việt Nam, tuy ngành du lịch cũng đã tiếp cận nhanh với xu thế này, nhưng hiệu quả còn khá khiêm tốn so với thị trường truyền thống.

“Mỏ vàng” cho tăng trưởng du lịch

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, đáng chú ý tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.

[Photo] Tưng bừng lễ hội cầu an, cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng

Một khảo sát tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet, 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Các chuyên gia dự báo, với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới…

Hai trong 10 xu hướng du lịch thời gian gần đây là du lịch cá nhân hoặc nhóm tự túc (du lịch chủ động không qua các công ty lữ hành để mua tour), du lịch kết hợp thương mại và phần lớn đều sử dụng những chiếc smartphone để tra cứu và tìm kiếm thông tin.

Nhờ đó các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA) trở thành kênh hỗ trợ cho các hoạt động thường xuyên như tìm kiếm thông tin, book vé, hay phòng khách sạn...

Vì thế, nếu nắm bắt được xu hướng, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến để khai thác hết lợi thế đang tạo ra trước mắt thì ngành du lịch Việt mới có thể phát triển đột phá.

Du lịch trực tuyến và cuộc ‘dấn thân’ của các doanh nghiệp Việt ảnh 2(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử cho thấy, các đại lý du lịch trực tuyến toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam với 80% thị phần.

Dẫn đến phần lớn du khách quốc tế vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí giờ đây ngay cả khách du lịch nội địa cũng quen dùng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài thay vì Việt Nam.

Theo con số từ ông Lê Tuấn Anh, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cung cấp, hiện trong nước mới có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử như Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Vinabooking.vn, Gotadi.com, Tugo.com.vn, VnTrip.vn...

[Lần đầu tiên nghệ nhân ẩm thực được ngành du lịch Việt vinh danh]

Thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn trong nước hiện đang chiếm 30%-40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn. Song các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ lại đang chiếm lĩnh thị trường này ở Việt Nam.

Những điều này cho thấy, để du lịch trực tuyến trong nước thực sự bứt phá, cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà trước hết chính các doanh nghiệp trong ngành “công nghiệp không khói” phải dấn thân, chủ động hơn nữa.

Doanh nghiệp cùng vào cuộc

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, từ năm 2004, doanh nghiệp này đã nhận thức được vai trò và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh và luôn tiên phong trong việc xây dựng các giao diện, website về du lịch, tăng khả năng tương tác với khách hàng.

Kết quả thu được khá khả quan khi 10 tháng gần đây, doanh thu từ du lịch trực tuyến của đơn vị này đạt trên 129 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Võ Anh Tài cũng thừa nhận, dù tốc độ tăng trưởng tốt nhưng so với kinh doanh truyền thống thì hiệu quả doanh thu trực tuyến vẫn còn rất nhỏ (129/4.250 tỷ đồng).

Nguyên nhân là dù tỷ lệ sử dụng mạng internet cũng như điện thoại thông minh rất lớn nhưng do thói quen, trình độ khai thác ứng dụng phần mềm du lịch chưa đồng đều, phương thức thanh toán còn khiến nhiều người e ngại về tính bảo mật dẫn tới sự phát triển chưa được như kỳ vọng.

Du lịch trực tuyến và cuộc ‘dấn thân’ của các doanh nghiệp Việt ảnh 3Cánh đồng hoa oải hương ở Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)

Giám đốc truyền thông của doanh nghiệp du lịch Tugo cho hay, đơn vị này đã xác định hướng đến du khách quốc tế và đầu tư công nghệ thông minh. Nhận thấy các doanh nghiệp truyền thống tốn nhiều chi phí cho vấn đề truyền thông cũng như đặt các văn phòng, nhân sự… nên Tugo chủ trương truyền thông trên hệ thống mạng xã hội, Facebook, YouTube… và ứng dụng công nghệ thông tin.

Vị Giám đốc này cho biết, sau 3 năm doanh thu của Tugo đạt gần 400 tỷ đồng nhờ áp dụng công nghệ thông tin.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, đây là con số đáng lưu ý đối với một doanh nghiệp non trẻ khi áp dụng công nghệ thông tin.

Có thể thấy, với những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam như hiện nay, diện mạo thị trường du lịch trực tuyến được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện và tăng trưởng đột phá trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục