Dư luận Mỹ hoan nghênh thỏa thuận tạm thời về Ukraine

Giới chức và dư luận Mỹ hoan nghênh thỏa thuận tạm thời về Ukairne với hy vọng sẽ góp phần hạ nhiệt căng thẳng leo thang tại Ukraine.
Dư luận Mỹ hoan nghênh thỏa thuận tạm thời về Ukraine ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/4, sau khi các nhà đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) đạt được thỏa thuận tạm thời cho cuộc khủng hoảng Ukraine, giới chức và dư luận Mỹ ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh bước đi này với hy vọng sẽ góp phần hạ nhiệt tình hình căng thẳng leo thang tới độ nguy hiểm tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cho rằng việc các nhà đàm phán bốn bên gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ tạm quyền Ukraine đạt được thỏa thuận, trong đó có việc giải giáp vũ khí của các nhóm đang chiếm giữ các tòa nhà công sở tại các thành phố miền Đông Ukraine, trao trả tất cả các tòa nhà bị chiếm đóng cho chủ sở hữu hợp pháp và ân xá cho những người biểu tình là một bước đi “có hứa hẹn,” nhưng việc thực thi các thỏa thuận này vẫn còn phải chờ xem trong vài ngày tới.

Mặc dù không thật tin tưởng, nhưng Tổng thống Obama vẫn hy vọng về khả năng tìm được một giải pháp ngoại giao giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva sau khi đạt được thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng thỏa thuận vừa đạt được là kết quả của một ngày làm việc có thiện chí của các bên, nhưng “quan trọng hơn là thỏa thuận này sẽ phải được thực thi nhanh chóng và nghiêm túc trên thực tế trong những ngày tới."

Ông Kerry cũng hối thúc Nga rút các lực lượng quân sự đang triển khai dọc biên giới nước này giáp Ukraine, cho rằng đây cũng là một trong những biện pháp giúp làm giảm căng thẳng.

Các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ như CNN xác định thỏa thuận trên đây là “bước đi lớn nhất” hướng tới làm dịu cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ đẩy Ukraine vào một cuộc nội chiến.

Tuy hoan nghênh kết quả đàm phán, nhưng cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đều cảnh báo nước Nga “sẽ phải trả giá hơn nữa” nếu không thực thi thỏa thuận vừa đạt được.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu một mặt sẽ theo dõi chặt chẽ xem phía Nga có “thực sự nghiêm túc trong nỗ lực giảm căng thẳng tại Ukraine” hay không, mặt khác tiếp tục chuẩn bị để áp đặt thêm các biện pháp chế tài mới đối với nước Nga.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình tại Ukraine. Hai bên nhất trí kêu gọi Nga tham gia vào nỗ lực xoa dịu tình hình căng thẳng tại các tỉnh miền Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục