Đức thừa nhận khó khăn khi áp giá trần với khí đốt ở châu Âu

Trong gói biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, Đức quy định rõ việc tăng mức tích trữ đối với các cơ sở dự trữ khí đốt ở nước này, trong đó phải đạt 85% vào ngày 1/10 và tăng lên 95% vào ngày 1/11.
Đức thừa nhận khó khăn khi áp giá trần với khí đốt ở châu Âu ảnh 1Một đường ống dẫn khí đốt tại Lubmin (Đức), ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck ngày 30/8 thừa nhận những khó khăn trong việc áp đặt giá trần đối với khí đốt ở châu Âu, song cho biết Đức và các đối tác châu Âu sẽ tìm một cách tiếp cận tối ưu cho cơ chế định giá năng lượng ở cấp độ châu Âu.

Phát biểu bên lề hội nghị của chính phủ Đức ở Meseberg, ngoại ô thủ đô Berlin, Bộ trưởng Habeck nêu rõ: "Sẽ có đáng kể những vấn đề cần giải quyết khi áp mức trần một cách cứng rắn và cứng nhắc. Tuy nhiên cũng có khả năng tác động đến giá khí đốt bằng cách mua hàng một cách thông minh và có cấu trúc."

Ông Habeck không cho biết thêm thông tin chi tiết, chỉ nói rằng vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị Hội đồng Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 9/9 tới. Tuyên bố trên của ông Habeck được đưa ra sau khi truyền thông Italy cho biết Đức sẵn sàng cân nhắc việc áp đặt trần giá khí đốt ở châu Âu.

Bộ trưởng Habeck cũng nhấn mạnh tới những thành công trong chính sách năng lượng cho đến nay của Chính phủ Đức. Mức lấp đầy khí đốt tại các cơ sở tích trữ tại Đức tính đến hết ngày 30/8 đã ở mức 83,7% và điều này có nghĩa Đức sẽ đạt mốc tích trữ 85% sớm hơn dự kiến.

Trong gói biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, Đức quy định rõ việc tăng mức tích trữ đối với các cơ sở dự trữ khí đốt ở nước này, trong đó phải đạt 85% vào ngày 1/10 và tăng lên 95% vào ngày 1/11.

[Đức sẵn sàng đối phó với nguy cơ bị cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt]

Tuy nhiên, ông Habeck cũng thừa nhận vẫn còn những thách thức trong vấn đề năng lượng, trước hết là giá cả đang ở mức cao, và Đức sẽ xem xét tìm ra các cơ chế ở cấp độ châu Âu cho phép kiểm soát hoặc tác động tốt hơn đến các cơ chế giá.

Bất chấp kế hoạch ngừng hoàn toàn vận hành để tiến hành bảo trì trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 từ ngày 31/8 đến ngày 2/9, các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Đức sẽ tiếp tục được lấp đầy trong những ngày tới nhờ nguồn cung từ các nước châu Âu lân cận.

Tuy tốc độ lưu trữ sẽ bị giảm nhẹ do gián đoạn nguồn cung từ Nga, song quá trình lưu trữ khí đốt tại các cơ sở của Đức sẽ không bị ngừng lại. Hiện Gazprom chỉ vận hành 20% công suất đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tương đương 33 triệu m3 khí đốt tự nhiên được vận chuyển tới Đức mỗi ngày.

Trên thực tế, nguồn cung từ Nga chỉ chiếm một phần trong số khí đốt dự trữ vài ngày qua. Theo các nhà khai thác cơ sở khí đốt châu Âu, trong số khoảng 1.336GWh khí đốt tự nhiên được lưu trữ ở Đức trong ngày 29/8 chỉ có khoảng 347GWh là cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Trong khi đó, cũng trong ngày 29/8, lượng khí đốt được vận chuyển tới Đức từ ba nước Na Uy, Bỉ và Hà Lan lên tới khoảng 2.750GWh. Tuy nhiên, Cơ quan mạng lưới năng lượng liên bang Đức (Bundesnetzagentur) cũng bày tỏ không chắc chắn về việc liệu Gazprom có nối lại việc vận chuyển khí đốt tới Đức sau thời gian bảo trì hay không.

Theo Bundesnetzagentur, việc Gazprom nối lại vận chuyển sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ở Đức khi ít nhất 20% công suất tiếp tục chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau thời gian bảo trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục