Gần 100 doanh nghiệp tham gia sân chơi đóng tàu Vietship 2018

Triển lãm Vietship 2018 về đóng tàu sẽ là sân chơi quy tụ 59 doanh nghiệp trong nước và 38 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 quốc gia.
Gần 100 doanh nghiệp tham gia sân chơi đóng tàu Vietship 2018 ảnh 1Triển lãm Vietship sẽ là cơ hội tìm hiểu, khả năng hợp tác trong đóng mới và sửa chữa tàu thủy. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Diễn ra trong 3 ngày (từ 24-26/1) tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, triển lãm Vietship lần thứ 9 về công nghệ đóng tàu, hành hải và công trình biển sẽ có 163 gian hàng quy tụ 59 doanh nghiệp trong nước và 38 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 12 quốc gia sẽ trở thành nơi trình diễn các công nghệ tiên tiến, cơ hội tìm hiểu, khả năng hợp tác hiện tại và tương lai trong đóng mới và sửa chữa tàu thủy.

Tại buổi họp báo Triển lãm Vietship 2018 vào sáng nay (4/1), theo ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Vietship là triển lãm chuyên ngành đóng tàu, hàng hải và công trình biển có quy mô lớn nhất và lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam.

[Có 15 quốc gia tham gia triển lãm đóng tàu Vietship 2016]

Kể từ lần tổ chức đầu tiên 2002, qua 8 lần liên tục tổ chức thành công, Vietship đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác phát triển, thu hút đầu tư, trao đổi khoa học công nghệ và tạo ra cơ hội ý tưởng cho xúc tiến thương mại trong ngành.

“Triển lãm Vietship 2018 được tổ chức trong bối cảnh ngành đóng tàu và hàng hải thế giới đã có những dấu hiệu khởi sắc, hồi phục sau thời gian dài chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Triển lãm lần này nhằm góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược tìm thấy câu trả lời cho bài toán phát triển thị trường trong thời gian tới,” ông Lâm cho hay.

Chủ đề của Vietship năm nay là “Thị trường vận tải biển và đóng tàu Việt Nam-Cơ hội và thách thức” sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề của ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải và công trình biển về các chính sách an toàn, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, chống ô nhiễm môi trườngđang được các đơn vị trong nước và quốc tế quan tâm.

Thừa nhận thị trường vận tải biển có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa đột biến, ông Lâm cũng bày tỏ sự kỳ vọng với các chỉ số vận tải biển đang tăng, đây là dấu hiệu cơ hội cho ngành vận tải biển phát triển, kéo theo ngành đóng mới và sửa chữa.

[Ngành đóng tàu vượt “bão” khủng hoảng, sinh lời trong sản xuất]

“Đội tàu Việt Nam lượng tồn nhiều, muốn đưa vào khai thác phải đầu tư, đóng mới đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe Công ước quốc tế, đăng kiểm và chính sách hàng hải của thế giới. Quyết định bán thanh lý hay đầu tư tàu vào khai thác là của nhà đầu tư,” vị Phó Tổng giám đốc SBIC nói.

Theo ông Lâm, SBIC đã họp với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và có cam kết hỗ trợ Vinalines nếu cần hoán cải, nâng cấp đội tàu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục