Gần 13.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vào sử dụng và đến nay đã điều trị cho gần 13.000 khách hàng.
Gần 13.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ảnh 1Khách hàng tìm hiểu về PrEP và các phương pháp điều trị dự phòng HIV. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sau 2 năm triển khai, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã có gần 13.000 khách hàng, góp phần kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021" do Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Dự án USAID PATH Healthy Markets tổ chức ngày 3/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế, cho biết mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS khi đã kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%; số người mắc mới, số người tử vong do AIDS cũng giảm liên tục hàng năm...

Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính với HIV của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010, tỷ lệ này chỉ khoảng 2% thì nay đã tăng lên trên 10%, có nơi đã trên 15%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vào sử dụng và đến nay đã điều trị cho gần 13.000 khách hàng.

[Cần mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS]

Hiện chương trình có hơn 10.000 khách hàng đang sử dụng PrEP thường xuyên.

Nói về hiệu quả, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho biết PrEP giúp giảm từ 95-98% khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Cụ thể, trong 10.000 trường hợp điều trị PrEP chỉ có 8 người dương tính với HIV, trong khi nếu không được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số lượng người nhiễm mới khoảng 700 người.

Gần 13.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ảnh 2Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đặc biệt, theo Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long, sự hưởng ứng của cộng đồng MSM đối với PrEP rất tích cực. Việt Nam phấn đấu có khoảng 30% người trong cộng đồng MSM được sử dụng PrEP vào năm 2025 (tương đương khoảng 60.000 người) và tỷ lệ này sẽ đạt lên 40% vào năm 2030 (tương đương 80.000 người).

Về phía đơn vị hỗ trợ, bà Lopa Basu, cố vấn kỹ thuật cao cấp, Phòng Y tế của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết thành công của chương trình cho đến nay là nhờ vào các chiến dịch toàn cầu mạnh mẽ và đa dạng hóa các dịch vụ, chẳng hạn như PrEP tình huống (ED-PrEP) mới được giới thiệu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và triển khai cung cấp PrEP tại một loạt các phòng khám công lập, tư nhân và phòng khám cộng đồng.

Trong tương lai, USAID cam kết hỗ trợ, đảm bảo để các khách hàng được tiếp tục sử dụng PrEP. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục hợp tác để giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu thanh toán bệnh AIDS vào năm 2030.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017 và đến nay đã có mặt tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đến nay đã có gần 13.000 người đăng ký sử dụng PrEP.

Năm 2021, chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) sẽ mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố và sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm đích, cung cấp các lựa chọn tiếp cận mới và đa dạng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục