Sau thương vụ đình đám Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi, động lực nào khiến Google "chịu chơi" và sẵn sàng bỏ ra khoản tiền kỷ lục để sở hữu một công ty sản xuất điện thoại di động đang gặp khó khăn như vậy?
Câu trả lời nằm ở chỗ Motorola chính nhà sản xuất điện thoại di động nắm giữ tới 17.000 bằng sáng chế và một khi làm chủ số bằng sáng chế này, Google có đủ tự tin để đối trọng lại bất kỳ nhà sản xuất điện thoại di động nào như Apple hay Nokia.
Tham vọng lấn sân sang thị trường điện thoại di động của Google đã được thể hiện từ lâu, bắt đầu bằng việc phát triển hệ điều hành di động Android. Năm 2009, Google bắt tay với HTC để trình làng mẫu điện thoại thông minh Nexus One đầu tiên của hãng.
Mặc dù Nexus One không gặt hái được những thành công như mong đợi và bị Google "khai tử" sau đó, song thất bại này cũng đã để lại cho Google không ít bài học quý báu trong cuộc chiến giành thị phần thị trường di động.
Liên tục cập nhật và gia tăng sự tương thích của hệ điều hành Android, Google đã từng bước xây dựng vị thế của mình với tư cách là nhà phát triển hệ điều hành di động có uy tín. Android đã được HTC và Samsung coi là hệ điều hành chủ lực trong các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) của mình.
Vì vậy, không có gì khó hiểu khi Google quyết định mua Motorola, qua đó nắm giữ 17.000 bằng sáng chế của nhà sản xuất điện thoại này, đồng thời có cơ sở bảo vệ các công ty như HTC và Samsung trước các đơn kiện bản quyền từ Apple hay Microsoft.
Chuyên gia tại Đại học Boston và là tác giả công trình nghiên cứu về hệ thống bằng sáng chế, James Bessen cho biết: "Google mua Motorola vì những công nghệ mà công ty này nắm giữ. Bằng sáng chế đã trở thành một vũ khí hợp pháp, khi nó không chỉ đại diện cho những ý tưởng sáng tạo".
Hiện Motorola đang kiện Apple vi phạm một số bằng sáng chế của hãng này như thiết kế ăngten, công nghệ đồng bộ số giữa nhiều thiết bị hay công nghệ đa truy cập phân mã băng rộng (W-CDMA)./.
Tính tới quý 2 năm 2011, Motorola đã bán được 4,4 triệu smartphone (Nguồn: AP)