Giãn thời gian thực hiện "siết" vốn đầu tư bất động sản

Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.
Giãn thời gian thực hiện "siết" vốn đầu tư bất động sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Thông tư 36 đã trở thành "điểm nóng" trong thời gian qua khi định hướng “siết” tín dụng vào kinh doanh, đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, trong Thông tư vừa ban hành nói trên, các nội dung sửa đổi, bổ sung đều theo các điểm đã nêu trong dự thảo công bố đầu năm nay, nhưng mức độ có thay đổi và có lộ trình.

Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200% và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Điều này chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm.

Một điểm sửa đổi khác nữa là tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%.

Điều chỉnh trên một phần đáp ứng kiến nghị mà khối đầu tư nước ngoài đã theo đuổi suốt trong năm 2015, cũng như góp phần “tạo điều kiện” để hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, mà phía sau đó là áp lực cân đối ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải, Thông tư 06 được xây dựng trên cơ sở rà soát tổng thể các quy định tại Thông tư 36 và các quy định liên quan của pháp luật, đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng chịu tác động của Thông tư, tham khảo ý kiến của các Bộ ngành và các Hiệp hội có liên quan. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục