Goldman Sachs điều chỉnh tăng dự báo về các thị trường vốn mới nổi

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo chỉ số chứng khoán tổng hợp MSCI của các thị trường mới nổi sẽ tăng lên 1.150 điểm trong 12 tháng tới, tương đương mức tăng gần 10% so với hiện nay.
Goldman Sachs điều chỉnh tăng dự báo về các thị trường vốn mới nổi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/2, Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ, đã điều chỉnh tăng dự báo về các thị trường vốn mới nổi sau khi nhận thấy các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Goldman Sachs cũng điều chỉnh tăng các triển vọng tăng trưởng ở châu Âu và giảm cảnh báo về lạm phát tại Mỹ.

Ngân hàng này dự báo chỉ số chứng khoán tổng hợp MSCI của các thị trường mới nổi sẽ tăng lên 1.150 điểm trong 12 tháng tới, tương đương mức tăng gần 10% so với hiện nay. Dự báo mới cũng cao hơn dự báo trước đó mà Goldman Sachs đưa ra về MSCI của các thị trường mới nổi là 1.075 điểm.

Báo cáo mới từ Goldman Sachs nêu rõ những dự báo trên thực sự chỉ ra tiềm năng hoạt động tốt hơn nữa của các thị trường mới nổi, chủ yếu là nhờ sự trở lại của các thị trường ở Bắc Á và Trung Đông-Bắc Phi trên cơ sở triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và giá dầu mỏ đều tích cực hơn.

Theo báo Financial Times (FT), trong tuần trước, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào chứng khoán và trái phiếu ở các thị trường mới nổi với tốc độ tiệm cận mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Trung Quốc bước đầu phục hồi sau mở cửa. Cụ thể, dữ liệu tổng hợp từ 21 quốc gia do Viện Tài chính quốc tế thực hiện cho thấy các thị trường vốn mới nổi thu hút khoảng 1,1 tỷ USD/ngày trong tuần tính đến ngày 27/1.

Tốc độ giao dịch xuyên biên giới trong tuần trước chỉ thấp hơn mức từng ghi nhận sau khi các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, vượt qua nhiều mức đỉnh từng được thiết lập trong 2 thập kỷ qua.

[Các thị trường mới nổi thu hút dòng vốn đầu tư kỷ lục]

Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ phản ánh xu hướng đầu tư đang thay đổi rõ nét trong đầu năm 2023 sau khi các thị trường đang phát triển hoạt động cầm chừng trong hầu hết năm 2022. Tình hình lạm phát toàn cầu hạ nhiệt được cho là yếu tố giúp nhiều nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ sớm dừng biện pháp nâng lãi suất vốn đã ảnh hưởng lớn tới các thị trường mới nổi.

Jahangir Aziz, nhà phân tích tại JPMorgan, cho rằng còn nhiều tiềm năng để dòng tiền đổ về các thị trường mới nổi hồi phục mạnh mẽ khi những bất ổn kinh tế từng đè nén các thị trường này được dỡ bỏ.

Nguy cơ suy thoái dường như cũng đã giảm khi các số liệu công bố trong tuần qua cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý cuối cùng của năm 2022 trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 cũng được kỳ vọng mang lại tác động đáng kể.

Ngoài ra, các thị trường mới nổi cũng hấp dẫn hơn khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng các nước đang phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng vượt các nền kinh tế phát triển. JPMorrgan dự đoán năm 2023 GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với tốc độ tăng ở các nền kinh tế phát triển.

Trong tuần trước, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi đã tăng gần 25% kể từ khi rơi xuống mức thấp nhất vào tháng 10/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục