Greenpeace cáo buộc nhiều tổ chức góp phần gây biến đổi khí hậu

Theo Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), nhiều tổ chức tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2020 không thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng thế giới.
Greenpeace cáo buộc nhiều tổ chức góp phần gây biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Greenpeace)

Trong bối cảnh trọng tâm các cuộc họp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 50 tại Davos (Thụy Sĩ) sẽ thảo luận sự khẩn cấp của khí hậu, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) ngày 20/1 cáo buộc một số thể chế tham dự diễn đàn đã không thực hiện mục tiêu mà WEF đặt ra về "cải thiện tình trạng của thế giới."

Greenpeace phân tích danh mục vốn đầu tư của 24 ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ lương hưu lớn nhất thế giới, và phát hiện họ đã đầu tư tổng cộng 1.400 tỷ USD vào các công ty nhiên liệu hóa thạch kể từ sau khi ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015-văn kiện trong đó các quốc gia cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C thông qua việc giảm mạnh lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc điều hành Greenpeace, bà Jennifer Morgan cáo buộc các thể chế tài chính "là thủ phạm" góp phần gây biến đổi khí hậu khi đầu tư vào ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch.

[Chính phủ Đức bị kiện vì không đạt được mục tiêu giảm khí thải]

Theo báo cáo của Greenpeace, chỉ 10 ngân hàng nhưng đầu tư tới 1.000 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2015. Lượng tiền tương tự lẽ ra có thể được chi trả để tăng gấp đôi công suất của năng lượng Mặt Trời trên thế giới. Greenpeace cũng xác định 3 quỹ lương hưu có ít nhất 26 tỷ USD cổ phần trong các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, và cáo buộc 4 công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, gồm AIG, Prudential, Sompo và Tokio marine, đã không đưa ra các chính sách nhằm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Bà Jennifer Morgan khẳng định: "Ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch cần lĩnh vực tài chính, nhưng chiều ngược lại không đúng, vậy tại sao các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí (nói trên) lại làm chỗ dựa cho năng lượng 'bẩn'?"

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, để có cơ hội tốt hơn bao giờ hết đạt mục tiêu của Hiệp định Paris về mức tăng nhiệt 1,5 độ C, việc tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt cần giảm lần lượt 37% và 25% vào năm 2030. Theo IPCC, sử dụng than đá phải giảm 2/3 vào năm 2030 và giảm xuống mức 0 vào giữa thế kỷ này để duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất không quá 1,5 độ C. Nhưng khí thải CO2 đang tăng hằng năm do nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng, và Hiệp hội Năng lượng Quốc tế ngày 20/1 cho biết các công ty năng lượng hóa thạch cũng chỉ đầu tư 0,8% cho năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục