Hà Nội: 'Chia lửa' với y tế cơ sở trong điều trị cho F0 tại nhà

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng "nếu không triển khai thu dung, điều trị cho F0 tại nhà, mọi hệ thống trong các bệnh viện của ngành y tế Hà Nội sẽ quá tải."
Hà Nội: 'Chia lửa' với y tế cơ sở trong điều trị cho F0 tại nhà ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0 trên địa bàn phường Văn Miếu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô, số bệnh nhân mắc COVID-19 mới phát sinh bình quân trong một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

“Nếu không triển khai thu dung, điều trị cho F0 tại nhà, mọi hệ thống trong các bệnh viện của ngành y tế Hà Nội sẽ quá tải. Toàn ngành y tế Thủ đô có 15.000 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện số bệnh nhân đã lên đến trên 700 người/ngày. Chưa quá hai chục ngày, toàn hệ thống không còn giường bệnh nào trống," tiến sỹ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin về áp lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Tăng áp lực cho y tế cơ sở

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, chủ trương tất yếu và duy nhất là khi số ca F0 đã lên tới 3, 4 con số mỗi ngày thì phải điều trị cho các ca F0 thể nhẹ tại nhà. Việc quản lý, theo dõi các ca F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Thành phố đang chuẩn bị lập tổ chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà, đưa công nghệ thông tin tới từng bệnh nhân để theo dõi, hướng dẫn, điều trị cho người bệnh.

Hà Nội: 'Chia lửa' với y tế cơ sở trong điều trị cho F0 tại nhà ảnh 2Xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca mắc COVID-19. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố Hà Nội hiện đang điều trị cho 9.627 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%). Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện Hà Nội, bệnh viện Trung ương. Trong số 9.463 ca F0 đang điều trị, có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà.

Ngoài ra, 82 ca F0 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 175 ca F0 điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 1.984 ca F0 điều trị tại 29 bệnh viện trực thuộc ngành y tế Hà Nội. 3.882 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Theo ghi nhận tại các bệnh viện ở Hà Nội, hiện nay, tình trạng quá tải tại các cơ sở điều trị COVID-19 đang xảy ra khi phải chịu áp lực lớn do các ca COVID-19 tăng nóng. Khoảng 80% tổng số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng được điểu trị tại nhà và trạm y tế lưu động cũng tạo áp lực lớn cho tuyến y tế cơ sở.

“Thực tế cách đây nửa tháng, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở chủ yếu làm nhiệm vụ truy vết, tiêm chủng, xét nghiệm, nay thêm chức năng mới là quản lý, điều trị F0 tại nhà, tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F0, chắc chắn giai đoạn đầu còn khó khăn, e ngại. Qua tập tuấn với sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế, chính quyền cơ sở, giai đoạn tới sẽ thuần thục," Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định.

Thiếu nhân lực y tế cơ sở

Hệ thống y tế cơ sở vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng, chống dịch, đặc biệt hiện nay thêm nhiệm vụ quản lý, theo dõi các ca F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu đã không ngừng nghỉ nỗ lực suốt 2 năm qua chiến đấu với dịch bệnh. Tuy nhiên, hệ thống này đang thiếu nhân lực trầm trọng.

“Nhân lực trạm y tế rất ít, chỉ có từ 5-10 cán bộ, kể cả những xã, phường có tỷ lệ dân số cao trên 30.000 dân/đơn vị như tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, gây quá tải cho hệ thống y tế. Chất lượng nhân lực y tế cơ sở chưa cao và chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác phòng, chống dịch," Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu rõ.

Hà Nội có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mỗi trạm chỉ tối đa có 10 người, chủ yếu là nữ giới, thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe cho tối đa 13.000-15.000 dân (mới đáp ứng được khoảng 30%) trong điều kiện bình thường, chưa kể khi có dịch bệnh nguy hiểm.

[Hà Nội lên phương án 508 trạm y tế lưu động điều trị F0 tăng cao]

Bác sỹ Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đang phải cách ly cùng 14 người khác cùng trung tâm cho biết so với các đợt trước, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại quận Đống Đa hiện nay khó khăn hơn rất nhiều, số lượng ca mắc hiện tại lên tới trên 2.000 ca và tiếp tục tăng.

Hiện quận Đống Đa là điểm dịch COVID-19 “nóng” nhất thành phố. Tất cả anh, chị em của Trung tâm Y tế quận Đống Đa và các phường “vận hành hết công suất” cũng không bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh do chủng virus lần này lây lan nhanh, nhiều ca không truy vết được nguồn lây.

“Khó khăn nhất của nhân viên y tế cơ sở hiện nay là công việc quá nhiều trong khi nhân lực mỏng, đảm đương đủ loại công việc, từ điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi điều trị, chuyển F1 đi cách ly, đến tiêm chủng… Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ y tế cơ sở làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại y tế cơ sở chưa thỏa đáng," bác sỹ Nguyễn Chí Thành chia sẻ.

Thông tin cho phóng viên, bác sỹ Nguyễn Chí Thành cho biết nhiều cán bộ của Trung tâm Y tế quận Đống Đa đang phải cách ly 14 ngày. Do vậy, công việc lại phải chuyển giao xuống các phường. Anh, chị, em ở các trạm y tế rất vất vả. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, đã có 7-8 nhân viên y tế cơ sở của quận Đống Đa xin nghỉ việc.

Hối hả nghe điện thoại, vừa trả lời người dân vừa chuẩn bị đến trạm y tế lưu động, bác sỹ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng trạm y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết, số ca F0 trên địa bàn tăng nhanh. Trước đây, mỗi ngày, một nhân viên trạm y tế phường điều tra truy vết 2-3 trường hợp F0 được chấm 1 công, nay số ca F0 tăng lên nhiều cũng chỉ được chấm 1 công/ngày (300.000 đồng/ngày).

Ngoài ra, nhân viên y tế được hưởng thêm phụ cấp cho người làm công tác tiêm chủng tối đa 150.000 đồng/ngày, dù cho phải tiêm gấp 10 lần số người mỗi ngày so với trước (mức hỗ trợ theo Nghị quyết 16/NQ-CP).

Sát cánh bên lực lượng y tế cơ sở là Tổ phòng, chống COVID cộng đồng làm nhiệm vụ phối hợp với y tế phường, xã trong truy vết, xét nghiệm; giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp nhập cảnh trái phép, người từ vùng dịch về không khai báo y tế; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe và khai báo y tế; tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người dân… Nhưng hiện nay, thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng chưa có chế độ phụ cấp.

Hà Nội: 'Chia lửa' với y tế cơ sở trong điều trị cho F0 tại nhà ảnh 3Các địa điểm bị phong tỏa do có trường hợp mắc COVID-19 tại ngõ 162B phố Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Cần có nguồn phụ cấp cho thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng cũng như trang bị đảm bảo an toàn phòng dịch cho lực lượng này để họ có thể yên tâm làm nhiệm vụ," anh Nguyễn Hữu Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 21, Tổ phó Tổ phòng, chống COVID cộng đồng phường Hoàng Liệt đề xuất.

Tập trung tối đa cho y tế cơ sở

Để hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 19/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Mức phụ cấp đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19, nghi nhiễm COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tăng lên 450.000 đồng/ngày; tăng phụ cấp cho người làm công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lên 240.000 đồng/ngày.

Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với những người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (bao gồm cả các trạm, tổ y tế lưu động).

Mức phụ cấp đặc thù của người làm công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng được tăng thêm 4.500 đồng/mũi tiêm, tức nâng lên 12.000 đồng/mũi tiêm (tối đa không quá 240.000 đồng/người/ngày). Mức hỗ trợ này tăng so với mức hỗ trợ theo Nghị quyết 16/NQ-CP áp dụng trước đó.

Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang ngày càng phức tạp, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra sáng 15/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung tối đa cho y tế cơ sở, đồng thời yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thắng bại trong cuộc chiến chống dịch COVID hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Ngày 15/12, số ca F0 ở Hà Nội lập đỉnh mới với 1.357 ca, cao nhất từ trước tới nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hệ thống y tế cơ sở rất cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc quản lý, điều trị cho các ca F0 cũng như sự chia sẻ của người dân để cùng với toàn bộ hệ thống y tế Thủ đô không để bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau cũng như không để ai phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi trong đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục