Hà Nội lên phương án 508 trạm y tế lưu động điều trị F0 tăng cao

Trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh trong 1 tuần gần đây, Hà Nội đã xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.
Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người đến khám có triệu chứng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người đến khám có triệu chứng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Những tuần gần đây, số trường hợp mắc COVID-19 (F0) điều trị tại nhà ở Hà Nội đang gia tăng từng ngày.

Trước tình hình trên, Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.

Hơn 35% F0 đang điều trị tại nhà

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 13/12, thành phố đang điều trị cho 9.463 bệnh nhân COVID-19; trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%). Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện trung ương.

[Bộ Y tế thông tin về 3 ca nghi mắc biến thể mới tại Hong Kong]

Trong 1 tuần gần đây, từ ngày 6-13/12, tại thành phố Hà Nội đã phát sinh thêm hơn 5.300 ca, trung bình mỗi ngày Thủ đô có thêm hơn 750 ca mắc mới COVID-19. Ngày 13/12, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kỷ lục, lên tới 395 ca - chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.

Trong số 9.463 F0 đang điều trị tại Hà Nội có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà.

Các quận, huyện tiếp nhận nhiều F0 điều trị tại trạm y tế lưu động là Chương Mỹ với 330 ca, Hoàng Mai: 279 ca, Gia Lâm: 191 ca, Bắc Từ Liêm: 189 ca, Thanh Xuân: 170 ca, Hà Đông: 147 ca, Hoài Đức: 138 ca, Mê Linh: 124 ca, Đan Phượng: 114 ca, Sóc Sơn: 116 ca, Đông Anh: 107 ca, Thường Tín: 106 ca, Tây Hồ: 90 ca, Ba Đình 81: ca, Quốc Oai: 76 ca, Nam Từ Liêm: 75 ca, Thanh Trì: 71 ca, Cầu Giấy: 71 ca, Long Biên: 49 ca…

Có 82 F0 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2; 175 F0 điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 1.984 F0 điều trị tại 29 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội.

Có 3.882 F0 đang điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị của thành phố, gồm: 855 người điều trị tại Cơ sở điều trị Đền Lừ III; 570 người điều trị tại cơ sở Ký túc xã Phenikaa; 761 người điều trị tại cơ sở điều trị Thượng Thanh và 1.696 người điều trị tại cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Về việc điều trị F0 tại nhà, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Sở Y tế đã giao cho chính quyền địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá các hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể tổ chức theo dõi F0 điều trị tại nhà.

Trên cơ sở đánh giá, các ngành liên quan đã khảo sát được 2,1 triệu hộ gia đình và có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

Hà Nội lên phương án 508 trạm y tế lưu động điều trị F0 tăng cao ảnh 1Nhân viên y tế phường Bạch Mai lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực bị phong tỏa thuộc phường Bạch Mai. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay: “Việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà.”

Sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính riêng từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, toàn thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc SARS-CoV-2. Riêng tuần từ ngày 6/12 đến ngày 12/12 đã phát sinh thêm 4.550 ca, đặc biệt ngày 12/12 lên tới gần 900 ca. Hiện thành phố vẫn còn 17 điểm đang phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.

Hiện nay, lượng bệnh nhân tăng, số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở oxy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước.

Theo chỉ đạo mới nhất của Thường trực Thành ủy Hà Nội, chính quyền Thủ đô sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.

Hà Nội có 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình Trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.

Hà Nội đã thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

Hà Nội lên phương án 508 trạm y tế lưu động điều trị F0 tăng cao ảnh 2

Thực tế cho thấy nhân lực tại một trạm y tế ở Hà Nội chỉ khoảng từ 5-10 người, quá ít so với những vai trò họ "gánh" trên vai: Dịch tễ, hướng dẫn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân...

Để hỗ trợ y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y tham gia...

Cụ thể, quận Hai Bà Trưng sắp đưa vào vận hành cơ sở thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với quy mô 250 giường. Cơ sở này do Ủy ban Nhân dân quận vận hành.

Khu vực thu dung F0 thể nhẹ này có các khu đón tiếp bệnh nhân, khu căng tin, khu làm việc của các y, bác sĩ với hệ thống camera giám sát cũng như hệ thống loa truyền thanh để theo dõi bệnh nhân.

Tại quận Hoàn Kiếm - quận vùng lõi của Thủ đô, diện tích hẹp, mật độ dân số cao, quận đang và chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động (Đồng Xuân, Hàng Thiếc). Từ tối 13/12, Trung tâm giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và trường tiểu học Quang Trung (số 9 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được trưng dụng để lắp ráp Trạm y tế lưu động.

Những trạm này sẽ thu dung, khám, điều trị cho F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.

Theo kế hoạch, nếu cần thiết, quận Hoàn Kiếm có thể thành lập tới 38 Trạm y tế lưu động.

Tại quận Tây Hồ, Trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (thuộc phường Xuân La) chính thức được kích hoạt, tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng, quy mô 300 giường. Cơ sở thu dung không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.

Ngay khi kích hoạt, Trạm y tế lưu động số 1 phường Xuân La đã tiếp nhận quản lý, điều trị 45 trường hợp F0.

Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa ban hành hướng dẫn, phân tầng điều trị COVID-19 lần thứ 4.

3 tầng điều trị

Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn phân thành 3 tầng điều trị COVID-19 dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.

Tầng 1 (tại nhà và tại trạm y tế lưu động) dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình.

Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 và bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục