Hà Nội: Sớm xử lý dứt điểm đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác Xuân Sơn

Đã hơn 20 ngày trôi qua nhưng những vấn đề liên quan đến kiến nghị của dân hay giải pháp tháo gỡ để bà con không còn chặn xe rác vẫn chưa được cơ quan chức năng, chính quyền thành phố giải quyết.
Hà Nội: Sớm xử lý dứt điểm đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác Xuân Sơn ảnh 1Khu vực lập lán trại chặn xe ngay trước cổng vào bãi rác Xuân Sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Từ sáng 7/2 vừa qua, một số hộ dân tại thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, có hành vi ngăn chặn việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn thuộc huyện Ba Vì.

Một số hộ dân có kiến nghị các sở, ngành thành phố và Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì về việc công khai phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ đối với 28 hộ có đất thuộc xứ Đồng Đá Bạc dự án “Di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) của bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn (5,6ha) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly,” thuộc địa giới hành chính xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Đến nay đã hơn 20 ngày trôi qua nhưng những vấn đề liên quan đến kiến nghị của người dân hay giải pháp tháo gỡ để bà con không còn chặn xe rác vẫn chưa được cơ quan chức năng, chính quyền thành phố giải quyết hiệu quả.

Theo tìm hiểu, dự án “Di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) của bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn (5,6ha) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly,” có ảnh hưởng tới một số hộ dân của xã Tản Lĩnh. Qua tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng, một số hộ đã đồng tình với dự án, vì mục tiêu chung của thành phố.

Tuy nhiên, 28 hộ/50 thửa/5,1ha có đề nghị được huyện, thành phố bồi thường, hỗ trợ 3 lần giá đất nông nghiệp giống dự án trước được áp dụng tại Văn bản số 5488/UBND-ĐT ngày 31/10/2017 về việc chính sách hỗ trợ khác khi thu hồi đất nông nghiệp tại xứ đồng Lò Than, thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh thuộc dự án Vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ khu xử lý chất thải Xuân Sơn) thuộc địa giới hành chính xã Tản Lĩnh.

Ngoài ra, người dân cho rằng, 21/28 hộ có đất và tài sản nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tổng diện tích là 20.410m2 cũng đề nghị được bồi thường đất ở và công trình xây dựng trước thời điểm có thông báo thu hồi đất, được hỗ trợ 100% đơn giá theo Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc Ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

[Người dân chặn bãi rác Xuân Sơn đòi quyền lợi: Hà Nội xử lý thế nào?]

Theo tìm hiểu những đề nghị của người dân là có cơ sở và có lý do. Vì thực tế, qua các công trình, kiến trúc như đền, chùa cho thấy người dân đã ăn, ở ổn định tại thôn Hiệu Lực thuộc khu vực, phạm vi giải phóng mặt bằng bãi rác Xuân Sơn hàng chục năm nay.

Người dân nhìn nhận nếu không nằm trong phạm vi mở rộng bãi rác, có thể bà con sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thu tiền theo quy định của pháp luật.

Cũng theo người dân, vào năm 2017, khi thành phố mở rộng bãi rác Xuân Sơn, quá trình đền bù đã tạo điều kiện cho người dân. Hiện nay cũng cùng mục đích phục vụ bãi rác, một số hộ dân trong thôn có điều kiện lịch sử nguồn gốc đất đai giống như trước đây nhưng lại không được đền bù theo giá đất ở nên bày tỏ chưa đồng tình với đơn giá đền bù đang được áp dụng.

Trước kiến nghị trên, phóng viên đã làm việc với đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì được biết, hiện nay, địa phương đang tập trung tuyên truyền để người dân không tụ tập đông người, không ngăn chặn xe chở rác; tuân thủ quy định của pháp luật, không kích động, gây rối mất trật tự công cộng...

Về kiến nghị của người dân, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. Huyện đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị thành phố sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan có hướng dẫn về chính sách hỗ trợ đối với các công trình, vật kiến trúc của 21 hộ dân.

Bãi rác Xuân Sơn nằm ở phía Tây Hà Nội thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì có diện tích khoảng 26ha. Nhiệm vụ của bãi này tiếp nhận rác từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.

Khối lượng rác mỗi ngày được đưa vào đây khoảng 1.500 tấn, trong đó chôn lấp khoảng 1.400 tấn, còn lại xử lý đốt khoảng 100 tấn.

Từ khi bãi rác này bị người dân chặn, rác của toàn thành phố được chỉ đạo đổ về bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Do đường đi của rác xa, năng lực vận chuyển của một số đơn vị thu gom còn hạn chế, dẫn đến có hiện tượng rác ùn ứ tại một số quận, huyện phía Tây thành phố.

Hà Nội: Sớm xử lý dứt điểm đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác Xuân Sơn ảnh 2Bãi rác Xuân Sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Một số người cho rằng, dù rác ùn ứ tại một số quận, huyện chưa phải là nghiêm trọng nhưng nếu tình trạng bãi rác Xuân Sơn không sớm được hoạt động trở lại, liệu bãi rác Nam Sơn có kham nổi lượng rác của toàn thành phố là khoảng hơn 6.000 tấn rác/ngày? Vì thực tế bãi rác Nam Sơn cũng ở trong tình trạng quá tải từ lâu.

Theo người dân, cùng một dự án bãi rác Xuân Sơn, cùng một thôn Hiệu Lực nhưng năm 2017 thành phố đền bù một chính sách, còn hiện nay lại là chính sách khác khiến người dân bì tị, so sánh.

Đã hơn 20 ngày qua, kể từ khi người dân chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn, chưa có cơ quan chức năng, chính quyền của thành phố đưa ra được tín hiệu khả quan trong giải quyết vụ việc.

Theo góc nhìn của một số chuyên gia, chưa có đủ dữ liệu để nói công việc “giậm chân tại chỗ” nhưng thực tế cho thấy sự vào cuộc như vậy là còn chậm trễ, chưa thỏa đáng cho một vụ việc có tính chất quan trọng và cấp bách như vậy. Vì hiện nay, Nhà nước đang đặt ra mục tiêu: "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân," quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc, phát sinh liên quan cuộc sống của nhân dân.

Trên tinh thần này, hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền của thành phố cần vào cuộc quyết liệt và hiệu quả hơn để tháo gỡ vấn đề liên quan đến bãi rác Xuân Sơn trước khi nó trở thành điểm "nóng" về an ninh trật tự.

Ở phía người dân cũng cần chia sẻ với thành phố. Vì có thể do chính sách còn bất cập nên cần có thời gian nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để vận dụng phù hợp, đúng pháp luật.

Các kiến nghị của người dân về chính sách đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng cần thực hiện theo trình tự, tuân thủ quy định. Không thể, vì chưa được giải quyết do thiếu căn cứ pháp lý, người dân lại tụ tập đông người, gây cản trở việc xử lý rác, ảnh hưởng đến môi trường chung, cũng là hành vi cần được chấm dứt ngay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục