Hàn Quốc: Cần có giải pháp thay thế cho kế hoạch xả thải từ Fukushima

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc lưu ý khoảng 80% người dân nước này lo ngại về kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima và kêu gọi chính phủ thuyết phục Tokyo dừng kế hoạch này.
Hàn Quốc: Cần có giải pháp thay thế cho kế hoạch xả thải từ Fukushima ảnh 1Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/7, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo cho rằng cộng đồng quốc tế nên dành thời gian và xem xét các giải pháp thay thế cho việc xả nước thải của Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) ra đại dương, nếu đánh giá an toàn từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không khiến mọi người bớt lo ngại.

Đề nghị trên được ông Kim đưa ra trong một cuộc họp báo đánh dấu năm đầu tiên ông nắm quyền, trong bối cảnh Hàn Quốc đang chờ báo cáo từ IAEA về sự an toàn của kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Ông Kim nói: “Ngay cả khi kế hoạch xả nước thải đảm bảo an toàn, chúng ta có thể tìm hiểu các giải pháp khác nhau, chẳng hạn như xả nước trong một khoảng thời gian nhất định, xác minh kết quả và đưa ra phản hồi.”

Ông Kim cũng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc lấy mối quan tâm của người dân và sự phản đối của các đảng đối lập làm đòn bẩy để thuyết phục Nhật Bản, đồng thời lưu ý rằng khoảng 80% người Hàn Quốc lo ngại về kế hoạch xả thải của Tokyo.

Bên cạnh đó, ông Kim cho biết ông sẽ tăng cường nỗ lực tăng cường trao đổi nghị viện với Trung Quốc và Mỹ và có kế hoạch thăm hai nước vào nửa cuối năm nay.

Trước đó, ngày 3/7, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc cho biết lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ tỉnh Fukushima của Nhật Bản sẽ được áp dụng vô thời hạn cho đến khi người dân không còn lo ngại.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima ra biển.

Hạ nghị sỹ Yun Jae-ok khẳng định Chính phủ Hàn Quốc cam kết đảm bảo an toàn tối đa đối với thực phẩm của người dân.

Năm 2013, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh của Nhật Bản gần Fukushima do lo ngại mức độ phóng xạ sau sự cố.

Hàn Quốc: Cần có giải pháp thay thế cho kế hoạch xả thải từ Fukushima ảnh 2Hải sản đánh bắt từ bờ biển Fukushima được bày bán tại chợ cá ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hàn Quốc khẳng định sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm trừ khi hải sản từ khu vực này được chứng minh là an toàn, đồng thời nói thêm rằng kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ở Fukushima nên được xem xét tách biệt với lệnh cấm nhập khẩu.

Hồi tháng Năm vừa qua, một phái đoàn chuyên gia Hàn Quốc đã tới Nhật Bản để đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.

Phái đoàn gồm 21 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lò phản ứng hạt nhân và bức xạ.

Đến ngày 28/6, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nhà nước Hàn Quốc Park Ku-yeon cho biết đoàn thanh sát của nước này đang đánh giá kết quả phân tích dữ liệu đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) tại Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cung cấp.

[Hàn Quốc thông báo kết quả phân tích nước thải từ nhà máy Fukushima]

Dựa trên phân tích nước thải trong năm 2023, có thể tạm thời xác định được rằng trong nước thải đã qua xử lý bằng ALPS không có chất phóng xạ nào nồng độ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Sự cố tại Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.

TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống ALPS để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác, trừ chất Triti không thể phân tách.

Nước sau khi xử lý được trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục