HDBank duy trì tăng trưởng cao, kiểm soát nợ xấu dưới 1,1%

Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, HDBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững cho thấy ngân hàng đã có nhiều biện pháp để ứng phó với thách thức.
HDBank duy trì tăng trưởng cao, kiểm soát nợ xấu dưới 1,1% ảnh 1Giao dịch tại HDBank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố báo cáo 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ 2019, hoàn thành 51,4% kế hoạch Đại hội cổ đông giao.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 213.932 tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 178.524 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2019. Dư nợ tín dụng đạt 168.772 tỷ đồng, tăng 10,3%.

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng này đạt 6.346 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 5.664 tỷ đồng, tăng 30,1%. Các mảng hoạt động dịch vụ, đầu tư kinh doanh chứng khoán... đều đạt kết quả tích cực.

Ngoài ra, chi phí hoạt động được quản trị hiệu quả ở mức 2.738 tỷ đồng giúp hệ số chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) giảm từ 47% cùng kỳ năm trước xuống 43,1%.

[Ngân hàng HDBank chia cổ tức và cổ phiếu thưởng lên tới 65%]

Ngân hàng cũng chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tất toán trước hạn nợ đã bán cho VAMC đồng thời bổ sung nguồn lực xử lý rủi ro tín dụng nếu phát sinh. Do vậy chi phí dự phòng ở mức 700 tỷ đồng, tăng 168 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,6% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA đạt 1,97%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Chất lượng tài sản của HDBank thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%. Toàn bộ trái phiếu VAMC đã được tất toán sớm hơn kế hoạch. Bên cạnh việc giữ vững chất lượng tài sản, ngân hàng cũng không ngừng củng cố sức khỏe tài chính với hệ số an toàn vốn CAR (theo Basel II) tăng từ 10,6% lên 11,5%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ 21% tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có an toàn vốn và thanh khoản cao nhất.

HDBank đã hoàn thành mở mới 8 chi nhánh và phòng giao dịch, nâng quy mô hoạt động lên 294 điểm giao dịch ngân hàng. Hệ thống điểm giao dịch tài chính tiêu dùng của công ty HDSaison được mở rộng lên 18.025 điểm, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 thị trường về hệ thống kênh phân phối.

Trước những khó khăn do dịch COVID-19 cùng các yếu tố vĩ mô không thuận lợi, việc HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững cho thấy nền tảng vững chắc cùng sự chủ động, linh hoạt của ngân hàng khi ứng phó thách thức.

Trong giai đoạn nền kinh tế bước vào bình thường mới, HDBank một mặt triển khai các chương trình quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, đồng thời đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, miễn giảm phí giao dịch nhằm hỗ trợ kịp thời khách hàng vượt qua khó khăn do COVID-19. Ngân hàng dành 24.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng cá nhân mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo…

Bên cạnh các sản phẩm tín dụng, ngân hàng còn triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại giúp khách hàng có thêm nhiều tiện ích trên mobile banking, internet banking, cũng như triển khai số hoá các quy trình nội bộ và giao dịch để hướng tới 1 ngân hàng số, không giấy tờ.

HDBank là ngân hàng đi tiên phong trong dịch vụ mở tài khoản doanh nghiệp hoàn toàn trực tuyến thông qua chữ ký số và cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sàn Giao dịch điện tử tài trợ thương mại TradeAssets để kết nối và xử lý các giao dịch tài trợ thương mại trên nền tảng ứng dụng blockchain. Mới đây, ngân hàng này triển khai dịch vụ truy vấn thanh toán toàn cầu qua Swift GPI, giúp khách hàng cập nhật nhanh chóng, chính xác thông tin về tình trạng xử lý giao dịch chuyển tiền quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục