Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi bắt đầu có hiệu lực

Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) bắt đầu có hiệu lực, qua đó mở rộng cánh cửa giao thương giữa các quốc gia tại lục địa 1,2 tỷ dân và một thị trường trị giá tới 2.500 tỷ USD này.
Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi bắt đầu có hiệu lực ảnh 1AfCFTA mở rộng cánh cửa giao thương vào thị trường trị giá 2.500 tỷ USD. (Nguồn: cironline.org)

Ngày 30/5, Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) bắt đầu đi vào hiệu lực, qua đó mở rộng cánh cửa giao thương giữa các quốc gia tại lục địa 1,2 tỷ dân và một thị trường trị giá tới 2.500 tỷ USD này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, sau khi AfCFTA đi vào hoạt động, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp tăng tỷ trọng thương mại nội khối lên 60% trong vòng 3 năm tới so với tỷ lệ hiện tại là 16%.

Ngoài ra, AfCFTA sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn.

Phát biểu nhân dịp AfCFTA đi vào hiệu lực, Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) phụ trách về thương mại Albert Muchanga nhấn mạnh đây là một thời khắc lịch sử khi mà cả châu lục đã cùng thống nhất thực hiện cam kết tăng cường hội nhập kinh tế.

Đây là kết quả sau khi AfCFTA được chính thức phê chuẩn hôm 29/3 vừa qua bởi 22 quốc gia – ngưỡng tối thiểu để hiệp định có thể đi vào hiệu lực thi hành sau đó một tháng.

[ECA hối thúc các nhà đầu tư quốc tế thúc đẩy thương mại ở châu Phi]

Trước đó, hồi tháng 3/2018, 52/55 quốc gia thành viên AU đã ký hiệp định thành lập AfCFTA tại thủ đô Kigali của Rwanda.

Với AfCFTA, châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia, kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập.

Theo số liệu từ AU, hiện kim ngạch thương mại giữa các nước châu Phi thấp hơn rất nhiều so kim ngạch giữa các nước châu Phi với các khu vực khác trên thế giới.

Thương mại nội khối châu Phi chỉ chiếm 16% trong tổng giá trị thương mại của toàn châu lục, thấp hơn so mức 19% tại Mỹ Latinh, 51% ở châu Á, 54% ở Bắc Mỹ và 70% ở châu Âu.

Ngoài việc loại bỏ thuế đối với hoạt động thương mại nội khối châu Phi, AfCFTA còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực và được hưởng lợi từ thị trường châu Phi ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, AfCFTA sẽ mở đường thúc đẩy cho việc thành lập Liên minh hải quan châu Phi vào năm 2022.

Theo AU, các công cụ hỗ trợ của AfCFTA bao gồm những quy tắc xuất xứ, lịch trình nhượng bộ thuế quan về thương mại hàng hóa, cơ chế giám sát và loại bỏ những trở ngại phi thuế đối với thương mại trực tuyến, nền tảng thanh toán số và xây dựng một cổng thông tin theo dõi tình hình thương mại châu Phi.

Hiện tại, AU và bộ trưởng thương mại các nước châu Phi chỉ còn hoàn tất các công cụ hỗ trợ để tạo điều kiện tiến hành giai đoạn thực hiện AfCFTA tại Hội nghị thượng đỉnh AU dự kiến tổ chức vào ngày 7/7/2019 tại Niger./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục